Quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường

10/11/2016
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 32/2016/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2016 quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo đó, Thông tư số 32/2016/TT-BTNMT quy định các biện pháp quản lý Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất, pháp điển và dịch văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa; thể thức, ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, liên tịch ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Thông tư này bao gồm: Luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc soạn thảo, ban hành thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật và quy định tại Thông tư này.
Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải được xác định rõ ngay tại văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký văn bản. Đối với văn bản quy phạm pháp luật là quy chuẩn kỹ thuật thì thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trừ trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khỏe, an toàn, môi trường thì hiệu lực thi hành quy chuẩn kỹ thuật có thể sớm hơn nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Đối với những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến thỏa thuận và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội Việt Nam là thành viên thì hiệu lực sẽ áp dụng theo điều ước và thỏa thuận quốc tế đó.
Việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, gửi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thông tư quy định các trường hợp phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Luật, pháp lệnh; Nghị quyết của Quốc hội để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; Nghị định của Chính phủ quy định các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường và vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Trước khi lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định đơn vị đề nghị xây dựng văn bản có trách nhiệm: Tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; xây dựng báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật; Tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định; Xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động chính sách theo quy định tại Thông tư này; xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách; Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thông qua.
Chậm nhất trước ngày 01 tháng 7 hàng năm, đơn vị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định về Vụ Pháp chế để xem xét, có ý kiến trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Vụ Pháp chế đưa đề xuất vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trình Bộ trưởng ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ trước ngày 20/01 hằng năm.
Ngoài ra, Thông tư nêu rõ việc lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật căn cứ vào: Nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định;  Được giao theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị định, nghị quyết liên tịch của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đề xuất của các đơn vị trực thuộc Bộ; Kết quả rà soát, phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;  Đề xuất, kiến nghị của các Sở Tài nguyên và Môi trường và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và môi trường
Đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm đề xuất thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo dựa vào một trong các căn cứ như: Văn bản giao thực hiện của cơ quan, người có thẩm quyền; Chương trình công tác hàng năm của Chính phủ; Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chương trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật hàng năm và 05 năm của Bộ.
Đơn vị được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm trình Lãnh đạo Bộ cho ý kiến về việc đăng tải và lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hồ sơ gồm: dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các đơn vị gửi lấy ý kiến gồm: Các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ, các đối tượng chịu tác động văn bản; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp); Văn phòng Thông báo và hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam (đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại); Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp (đối với dự thảo có quy định thủ tục hành chính); các tổ chức pháp chế của đơn vị. Đơn vị được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Bộ để đề nghị đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ trong thời gian ít nhất là 60 ngày trừ các văn bản được ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.
Việc đăng Công báo, gửi, đưa tin thông tư thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ trưởng ký ban hành thông tư, Văn phòng Bộ có trách nhiệm gửi bản chính bằng bản giấy và bản điện tử thông tư đến Văn phòng Chính phủ; đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.
Trong thời hạn chậm nhất là 02 ngày làm việc, kể từ ngày thông tư được Bộ trưởng ký ban hành hoặc kể từ ngày nhận được văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì soạn thảo thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua hoặc ký ban hành, Văn phòng Bộ gửi bản điện tử văn bản quy phạm pháp luật về Vụ Pháp chế để đăng tải văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Trong thời gian chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế có trách nhiệm đăng tải văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.  Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư quy định nội dung kiểm tra văn bản gồm: Kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản; Kiểm tra về nội dung của văn bản và Kiểm tra về căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
Về thời điểm kiểm tra được tiến hành ngay sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; Khi được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và Theo kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Thông tư số 46/2014/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.