Quy định chi tiết thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

01/11/2016
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
Việc áp dụng các quy định để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 3 Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan là hệ quả của một hành vi vi phạm khác trong cùng lĩnh vực hải quan thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng hơn.
Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó. Việc xác định giá trị tang vật vi phạm được thực hiện như sau:
Đối với tang vật không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm; nếu là ngoại tệ thì tỷ giá được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Đối với hàng hóa, tang vật vi phạm bị tịch thu thì tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định trị giá thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm (nếu cần) và thành lập Hội đồng định giá để thực hiện việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.
Khi xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải lập biên bản. Các tài liệu liên quan đến việc định giá phải được thể hiện trong hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính có thực hiện việc định giá hàng hóa, tang vật vi phạm.
Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý quy định tại Điều 9 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP
Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định áp dụng đối với trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy chứng minh biên giới vi phạm các quy định về khai hải quan hoặc vi phạm quy định về mang ngoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Các trường hợp mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý trái phép khác qua biên giới thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định.
Việc xác định ngoại tệ được phép và không được phép mang theo của người xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới được căn cứ vào quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt đối với cá nhân xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới để xác định.
Trị giá tang vật vi phạm là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ, vàng, tiền Việt Nam không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đối tượng vi phạm đã xuất cảnh, không để lại địa chỉ cụ thể thì cơ quan hải quan vẫn thực hiện việc ra quyết định xử phạt theo quy định, phối hợp với Sở Ngoại vụ gửi quyết định xử phạt cho đối tượng bị xử phạt qua Đại sứ quán hoặc cơ quan Lãnh sự của nước đối tượng vi phạm mang quốc tịch để thực hiện; trường hợp không giao được quyết định xử phạt thì tang vật vi phạm xử lý theo khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với vi phạm liên quan đến giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu
Giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn nêu tại Điều 14 Nghị định là giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép, doanh nghiệp xuất trình được giấy phép nhưng thực tế số lượng, trọng lượng hàng hóa nhiều hơn so với số lượng, trọng lượng được cấp tại giấy phép thì số hàng hóa nhiều hơn so với giấy phép bị xử phạt về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép, cá nhân, tổ chức xuất trình được giấy phép nhưng thực tế hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng nội dung ghi trong giấy phép về chất lượng (điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật) hàng hóa nhập khẩu (nếu có) thì căn cứ quy định tại khoản 7 hoặc khoản 8 Điều 14 Nghị định để xử phạt.
Vi phạm liên quan đến giấy phép nhập khẩu, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu mà hàng hóa thuộc diện hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, hàng viện trợ nhân đạo, hàng quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển, hàng hóa của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng quá cảnh, chuyển khẩu thì tùy theo từng hành vi vi phạm mà bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 14 Nghị định; các trường hợp khác thì xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định.
Đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn nhập khẩu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 14 Nghị định nhưng trước thời điểm ra quyết định xử phạt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu thì không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất”.
Trường hợp đã ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất” nhưng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu và hàng hóa chưa đưa ra khỏi Việt Nam thì được phép nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2016. Bãi bỏ Thông tư số 190/2013/TT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.