Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng sản xuất

04/11/2016
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất quy định việc tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng sản xuất.
Phân loại rừng sản suất
Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, rừng sản xuất được phân loại theo 2 đối tượng: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng.
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; Căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một héc ta rừng tự nhiên được phân loại thành: Rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.
Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) hoặc có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn vốn khác.
Phương thức tổ chức bảo vệ rừng sản xuất
Chủ rừng xây dựng phương án bảo vệ rừng và tự tổ chức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng có diện tích rừng giáp ranh, liền kề với chủ rừng khác thực hiện ký kết phối hợp tổ chức bảo vệ rừng.
Chủ rừng là tổ chức thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn hoặc hợp tác xã lâm nghiệp.  
Thuê các lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ rừng.
Cơ quan Kiểm lâm địa phương có trách nhiệm bố trí, phân công kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ chức, người được giao hoặc thuê rừng để tổ chức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, công an xã hỗ trợ chủ rừng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; bảo vệ diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý chưa giao, chưa cho thuê theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển rừng sản xuất
Rừng sản xuất được phát triển và tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của chủ rừng.
Chủ rừng tự đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo dự án, phương án để bảo vệ, phát triển rừng và tổ chức sản xuất kinh doanh rừng trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp được nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
Các biện pháp lâm sinh được áp dụng để phát triển rừng và tổ chức sản xuất kinh doanh rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng gồm: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung; nuôi dưỡng rừng; làm giàu tự nhiên; trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 và bãi bỏ Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 và Quyết định 34/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ.