Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN ngày 14 tháng 8 năm 2014

06/10/2016
Ngày 05 tháng 10 năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN ngày 14 tháng 8 năm 2014 hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động ngoại hối được sửa đổi, bổ sung như sau:
Đối với hoạt động ngoại hối cơ bản:
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận dưới hình thức cấp mới/cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cấp Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép trong đó có nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi do Ngân hàng Nhà nước quy định, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện toàn bộ hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi quy định tại Thông tư này;
Đối với các hoạt động phái sinh liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối khác ngoài các hoạt động ngoại hối quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 21/2014/TT-NHNN: (i) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép được thực hiện hoạt động phái sinh liên quan đến ngoại hối mà không phải làm thủ tục đề nghị chấp thuận bổ sung hoạt động ngoại hối khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn và ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động phái sinh đó bằng đồng Việt Nam; (ii) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép được thực hiện hoạt động ngoại hối khác mà không phải làm thủ tục đề nghị chấp thuận bổ sung hoạt động ngoại hối khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn đối với hoạt động ngoại hối đó;
Ngân hàng chính sách được thực hiện các hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế theo quy định tại Thông tư này.
Đối với hoạt động ngoại hối khác: Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho phép thực hiện có thời hạn đối với từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể (gọi tắt là văn bản chấp thuận có thời hạn), tổ chức tín dụng được phép được thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế; Khi hết thời hạn thực hiện các hoạt động ngoại hối tại văn bản chấp thuận có thời hạn, tổ chức tín dụng được phép thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế sau khi được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép gia hạn tại văn bản gia hạn văn bản chấp thuận có thời hạn. Thời gian gia hạn từng lần không được vượt quá thời hạn cho phép thực hiện hoạt động ngoại hối tại văn bản chấp thuận có thời hạn.
Trong quá trình thực hiện hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế, tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá về các đối tác nước ngoài để có điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng được phép.
Khi triển khai thực hiện các hoạt động ngoại hối, tổ chức tín dụng được phép phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với từng hoạt động ngoại hối. Riêng ngân hàng chính sách phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan.
Phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế của ngân hàng thương mại
Về phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế của ngân hàng thương mại, Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau: 1- Thanh toán, chuyển tiền quốc tế; 2- Mua, bán ngoại tệ giao ngay trên thị trường quốc tế; 3- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro đối với hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ đã giao kết và thực hiện với khách hàng trong nước; 4- Bao thanh toán quốc tế và bảo lãnh bằng ngoại tệ; 5- Cho vay ra nước ngoài đối với khách hàng không phải là tổ chức tín dụng; 6- Gửi ngoại tệ ở nước ngoài (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi không kỳ hạn); 7- Thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối trên thị trường quốc tế theo nguyên tắc quy định Thông tư 21/2014/TT-NHNN; 8- Thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường quốc tế ngoài các hoạt động trên theo nguyên tắc quy định.
Điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước
Điều kiện để ngân hàng thương mại được xem xét, chấp thuận thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước bao gồm: Có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật đối với hoạt động ngoại hối như: Hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động ngoại hối, các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu; phương án dự phòng thảm họa; các phần mềm hỗ trợ việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến ngoại hối; Có quy định nội bộ về quản lý rủi ro liên quan đến các hoạt động ngoại hối đề nghị thực hiện.”
Điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế
Điều kiện để ngân hàng thương mại được xem xét, chấp thuận thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế bao gồm: Đáp ứng các điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước; Có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác và xác định hạn mức giao dịch đối với đối tác nước ngoài; trong đó đối tác nước ngoài mà tổ chức tín dụng được phép có giao dịch tiền gửi (không phải tiền gửi thanh toán) phải là các tổ chức tài chính nước ngoài có hệ số xếp hạng tín nhiệm từ mức Baa3/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody’s Investor Service trở lên hoặc từ mức BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard & Poor’s trở lên hoặc từ mức BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings trở lên; Điều kiện quy định trên không áp dụng đối với trường hợp ngân hàng thương mại gửi tiền (không phải tiền gửi thanh toán) tại chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài. Tổng số dư tiền gửi của ngân hàng thương mại tại tất cả các chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài không vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó.
Điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế
Thông tư quy định, trong từng thời kỳ, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối, ngân hàng thương mại được xem xét, cho phép thực hiện có thời hạn các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế khi đáp ứng các điều kiện sau: Đã được phép thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước hoặc trên thị trường quốc tế; Có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ với các biện pháp quản lý rủi ro đối với từng hoạt động ngoại hối đề nghị được thực hiện; Có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác, hạn mức giao dịch phù hợp đối với từng đối tác nước ngoài; Tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép; Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép; Hoạt động kinh doanh ngân hàng có lãi trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo báo cáo tài chính được kiểm toán.
Điều kiện để ngân hàng thương mại được xem xét, cho phép gia hạn thực hiện hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế bao gồm: Đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện có thời hạn; Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối trong quá trình thực hiện các hoạt động ngoại hối có thời hạn; Tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm đề nghị gia hạn và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn; Hoạt động kinh doanh ngân hàng có lãi trong năm liền kề năm đề nghị gia hạn theo báo cáo tài chính được kiểm toán.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 11 năm 2016.