Tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

05/10/2016
Bộ Tài nguyên và môi trường vừa qua đã ban hành Thông tư số 26/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2016 quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Thông tư quy định nguyên tắc phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm và phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo như sau: Việc phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm và phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được thực hiện trên từng ô bờ, ô ven bờ, ô biển. Việc phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải căn cứ vào các thông tin, số liệu đo đạc, quan trắc các thành phần môi trường và sử dụng các công cụ tính toán, mô phỏng quá trình phát thải, lan truyền, biến đổi, chuyển hóa chất gây ô nhiễm trong môi trường biển và hải đảo. Việc phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải căn cứ vào kết quả tính toán, xác định giá trị của các chỉ số tương ứng với các tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đối với từng ô và được thể hiện trên bản đồ theo quy định của pháp luật về thành lập bản đồ chuyên đề.
Theo Thông tư, vùng biển và hải đảo Việt Nam được phân chia thành các ô bờ, ô ven bờ và ô biển; các ô có hình chữ nhật. Việc xác định ô bờ phải căn cứ vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo của đường bờ, các hệ sinh thái vùng đất ven biển, các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng đất ven biển; chiều dài cạnh lớn của ô không lớn hơn khoảng cách từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm đến đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Việc xác định ô ven bờ phải căn cứ vào chế độ động lực, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ, các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng bờ; chiều dài cạnh lớn của ô không lớn hơn 06 hải lý. Việc xác định ô biển phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất về chế độ hải văn, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; chiều dài cạnh lớn của ô không lớn hơn 12 hải lý.
Tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, bao gồm: Tiêu chí về mức độ ô nhiễm hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng; Tiêu chí về mức độ nhạy cảm môi trường; khả năng gây thiệt hại đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái biển, hải đảo, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo.
Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo của ô bờ, ô ven bờ và ô biển được xác định trên cơ sở giá trị chỉ số phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo của mỗi ô đó
Thông tư cũng quy định việc phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gồm các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, được thực hiện theo các bước sau đây: 1- Tính toán, xác định giá trị chỉ số phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; 2- Đánh giá, xác định cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; 3- Lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Căn cứ yêu cầu tính toán, mô phỏng cụ thể, các điều kiện áp dụng mô hình và thực tiễn về các thông tin, dữ liệu đã có để phân tích, lựa chọn mô hình mô phỏng quá trình lan truyền, biến đổi, chuyển hóa chất gây ô nhiễm trong môi trường biển và hải đảo.
Trình tự áp dụng mô hình như sau: Chuẩn bị thông tin, dữ liệu phục vụ tính toán; Xử lý tài liệu địa hình để thiết lập mô hình; Xây dựng miền tính, lưới tính; Thiết lập các điều kiện biên; Thiết lập các điều kiện ban đầu; Thiết lập các thông số mô hình cơ bản; Kết nối các mô hình động thủy lực với mô hình mô phỏng quá trình lan truyền, biến đổi, chuyển hóa chất gây ô nhiễm trong môi trường biển và hải đảo; Hiệu chỉnh và xác định bộ thông số cho mô hình; Kiểm định và đánh giá mức độ tin cậy của các kết quả mô hình; Tính toán, mô phỏng các kịch bản; Lập báo cáo kết quả tính toán.
Việc đánh giá mức độ chính xác, phù hợp của mô hình phải được tiến hành khi hiệu chỉnh và xác định bộ thông số cho mô hình; việc kiểm định và đánh giá độ tin cậy của các kết quả mô hình được thực hiện theo trình tự sau đây: Đánh giá trực quan thông qua việc so sánh chuỗi số liệu thực đo và chuỗi số liệu tính toán, mô phỏng theo mô hình; so sánh sự đồng bộ giữa hai chuỗi số liệu; Tính toán, xác định mức độ tương quan giữa chuỗi số liệu thực đo và chuỗi số liệu tính toán, mô phỏng theo mô hình; Tính toán hệ số hiệu quả mô hình theo công thức
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2016.