Hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra

03/12/2015
Tổng Thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-TTCP-NHNN ngày 25 tháng 11 năm 2015 hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra.

Nguyên tắc thực hiện việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra

Việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra phải đúng đối tượng, thẩm quyền, thủ tục quy định tại Thông tư này.

Tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra.

Việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Tài khoản bị phong tỏa là tài khoản thanh toán của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Văn bản yêu cầu phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền thể hiện dưới hình thức Quyết định phong tỏa tài khoản.

Trách nhiệm của các bên cung cấp thông tin phục vụ việc phong tỏa tài khoản

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của đối tượng thanh tra tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản

Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm: Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.

Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thủ tục yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản

Người có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản gửi Quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản và đối tượng thanh tra.

Quyết định phong tỏa tài khoản phải do người có thẩm quyền được quy định tại Điều 5 Thông tư này ký và đóng dấu của cơ quan ra quyết định thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).

Quyết định phong tỏa tài khoản thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện Quyết định phong tỏa tài khoản, Quyết định hủy phong tỏa tài khoản thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2016.