Ban hành cơ chế quản lý tài chính và chi phí quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

03/12/2015
Ngày 27/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệ (BHTN).

Chậm đóng Bảo hiểm xã hội, y tế sẽ bị phạt lãi gấp đôi

Theo quy định của quyết định này, các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đối tượng sẽ được chuyển về BHXH Việt Nam để quản lý.

Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đối tượng và chuyển về BHXH Việt Nam để quản lý theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.​

Đối với số thu BHYT của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH trực tiếp quản lý người tham gia thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, kể cả tiền lãi chậm đóng đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật (nếu có); số tiền còn lại, hạch toán thu theo thứ tự sau đây: Thu đủ số tiền phải đóng BHYT và tiền lãi chậm đóng BHYT (nếu có); thu đủ số tiền phải đóng BHTN và tiền lãi chậm đóng BHTN (nếu có); thu tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH (nếu có).

Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.

Ngoài ra, Quyết định này chi công tác tổ chức thu, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gồm: chi phí thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu bảo hiểm y tế của người tham gia theo hộ gia đình, của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mức chi bằng 7% số tiền đóng của người tham gia, trừ số thu do ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ; Chi phí trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng 0,78% số tiền chi trả từ các quỹ thành phần...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2016. Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chình phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quyết định số 51/2013/QĐ-TTg ngày 16 tháng 08 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số điểm của Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2011 hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành./.