Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013

22/11/2015
Ngày 19/11/2015, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh

Theo Nghị định, hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau: cảnh báo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh;

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm cụ thể như: cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; thuê mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giây phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời gian, địa bàn, địa điểm, mặt hàng ghi trong Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm cụ thể sau như kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh khi Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp đã biết hiệu lực; sử dụng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh của thương nhân khá để kinh doanh.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định ở trên đối với đối tượng hoạt động sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một hành vi tham gia bán hàng đa cấp có một trong các hành vi vi phạm như thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được cấp thẻ thành viên theo quy định; không xuất trình thẻ thành viên khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng; không cung cấp đầy đủ những thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp theo quy định khi bảo trợ một người khác tham gia vào mạng lưới  bán hàng đa cấp.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một hành vi tham gia bán hàng đa cấp có một trong các hành vi vi phạm như không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng của doanh nghiệp trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin không trung thực hoặc không chính xác về hàng hóa được chào bán;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một hành vi tham gia bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một hành vi tham gia bán hàng đa cấp có hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp hoặc tính chất, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của thương nhân hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một hành vi tham gia bán hàng đa cấp có một trong những hành vi vi phạm như tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm hoặc đào tạo mà không được thương nhân bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của thương nhân khác tham gia vào mạng lưới của thương nhân bán hàng đa cấp mà mình đang tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền lợi, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2016./.