Quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp

14/10/2015
Ngày 13/10/2015, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định về việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Theo Nghị định, việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc góp vốn tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nhà nước thực hiện đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong 03 trường hợp sau đây: 1- Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 2- Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo. 3-  Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước

Việc huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên cho vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay. Điều kiên, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định củaTthủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Tổng mức vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn theo thẩm quyền…

Doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong nước với điều kiện công ty con được bảo lãnh phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn; việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh. Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay do doanh nghiệp bảo lãnh.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2015 và thay thế các Nghị định: số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác./.