Quy định về đầu tư ra nước ngoài

08/10/2015
Ngày 25/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài; áp đụng dối với tổ chức kinh tế, hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã, tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật các tổ chức tín dụng...
 

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài 

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

1- Dự án đầu tư ra nước ngoài (dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên nhưng có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên).

2- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc một trong số các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập.

3- Tài liệu xác định địa điểm đầu tư (đối với các dự án năng lượng, dự án nuôi trồng đánh bắt chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp thủy hải sản, dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản, dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chế biến chế tạo, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng).

4- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án

5- Văn bản chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, Báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất dự án đầu tư ra nước ngoài làm cơ sở cho việc chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Quyết định đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư quyết định đầu tư ra nước ngoài theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hoặc theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Nghị định, Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của tài liệu và nội dung đăng ký đầu tư. Hồ sơ (08 bộ) được nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời đăng thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, nhận mã khai hồ sơ trực tuyến, nhận tài khoản tạm thời để theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn 15 ngày này cũng áp dụng trong trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị mất, cháy, rách, nát, hỏng.

Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đôla Mỹ); chuyển ngoại tệ, máy móc, hàng hóa, thiết bị ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư; tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án đầu tư của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật lao động của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài./.