Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

19/12/2013
Ngày 17/12/2013, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Nghị định, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp nhận hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ bao gồm: tuân thủ quy định của pháp luật; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi chống người thi hành công vụ; thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra

Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Nghị định quy định, việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị định nêu rõ, việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự. Đặc biệt, theo Nghị định, sau khi xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục. Văn bản thông báo của cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người có hành vi chống người thi hành công vụ; hành vi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ. Đối với các vụ án chống người thi hành công vụ, đề nghị Tòa án có thẩm quyền tăng cường tổ chức xét xử lưu động để góp phần phòng ngừa, giáo dục chung.

Phải phối hợp xử lý tình huống chống người thi hành công vụ như: trong trường hợp xảy ra tình trạng tập trung đông người để chống người thi hành công vụ hoặc trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của mình thì người thi hành công vụ đề nghị các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người thi hành công vụ để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014./.