Quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

10/12/2013
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 30/2013/TT-NHNN ngày 09 tháng 12 năm 2013 quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Thông tư này bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành gồm: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thống đốc bao gồm: thông tư, thông tư liên tịch.

Theo đó, quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Việc soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Mục 1, 2 Chương II Nghị định số 24/2009/NĐ-CP và các quy định có liên quan tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với những dự án, dự thảo có quy định về thủ tục hành chính, đơn vị chủ trì soạn thảo phải thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

Trong quá trình soạn thảo, đơn vị chủ trì soạn thảo, tổ biên tập báo cáo Ban soạn thảo, Thống đốc (đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ), đơn vị chủ trì soạn thảo báo cáo Thống đốc (đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) về những nội dung phức tạp có ý kiến khác nhau để xin ý kiến chỉ đạo.

Đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xin ý kiến Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về những nội dung lớn của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi đăng tải dự án, dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước để lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân và khi cần thiết khác.

Đối với hợp nhất nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi Vụ Pháp chế tệp dữ liệu điện tử của văn bản sửa đổi, bổ sung và chịu trách nhiệm về tính chính xác của văn bản dạng tệp dữ liệu điện tử.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tệp dữ liệu điện tử của văn bản sửa đổi, bổ sung, Vụ Pháp chế có trách nhiệm thực hiện việc hợp nhất văn bản và trình Thống đốc hoặc Phó Thống đốc ký xác thực văn bản hợp nhất.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Thống đốc hoặc Phó Thống đốc ký xác thực văn bản hợp nhất, Văn phòng có trách nhiệm gửi bản chính của văn bản hợp nhất kèm theo tệp dữ liệu điện tử đến Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.

Thông tư còn quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước như sau:

Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm: Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn và quy định tại Thông tư này.

Vụ Pháp chế có trách nhiệm: Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước; Kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước và đề xuất hướng xử lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 01 năm 2014 và thay thế Thông tư số 13/2009/TT-NHNN ngày 03/7/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 38/2011/TT-NHNN ngày 13/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2009/TT-NHNN.