Những quy định về việc sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

20/11/2006
Luật Nhà ở ra đời đã công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Xin giới thiệu một số quy định hướng dẫn cụ thể về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Quyền sở hữu nhà ở

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  được Sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua một số hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, hay mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và được sở hữu nhà ở trong các trường hợp sau:

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, là người trực tiếp hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  có công đóng góp cho đất nước.

- Nhà hoạt động văn hóa, khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  được phép về sống ổn định tại Việt Nam thì được mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở như người Việt Nam ở trong nước và cũng không hạn chế số lượng nhà ở được sở hữu.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  không thuộc các trường hợp trên nhưng đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên trong cùng thời gian cư trú tại Việt Nam được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  không thuộc diện được sở hữu nhà ở hoặc được sở hữu hạn chế về số lượng nhà ở tại Việt Nam theo quy định trên, nếu được tặng cho, được thừa kế nhà ở thì chỉ được hưởng giá trị quy đổi của nhà ở đó.

Mua, bán nhà ở

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  được tham gia các giao dịch về mua bán, tặng cho, thừa kế nhà ở tại Việt Nam cần phải thực hiện theo các quy định:

-Thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở.

- Thực hiện việc mua bán, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở theo đúng các quy định của pháp luật

- Những người không thuộc diện quy định tại Luật Nhà ở hoặc những người thuộc diện quy định của Luật Nhà ở nhưng đang có sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở thì được hưởng giá trị quy đổi của nhà ở đó.

Các hợp đồng mua bán, thuê, mua, tặng cho, đổi, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải được ký kết bằng văn bản và nội dung của các hợp đồng này phải phù hợp với qui định của Luật Nhà ở và quy định của BLDS. Trường hợp nếu là pháp nhân tặng cho nhà ở thì phải có văn bản tặng cho.

Thuê nhà ở

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài  đang ở Việt Nam có nhu cầu thuê nhà ở sẽ được thuê nhà để ở tại Việt Nam. Khi tham gia ký kết hợp đồng thuê nhà, người Việt Nam định cư ở nước ngoài  phải thực hiện các quy định:

- Phải có đủ điều kiện được thuê nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở.

- Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật

- Bên thuê nhà ở phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người thuê theo qui định của Luật Nhà ở, BLDS và Nghị định 90.

- Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của hai bên theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân thuê nhà dưới 6 tháng hoặc bên cho thuê là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở thì hợp đồng thuê nhà ở không phải công chứng, chứng thực.

(Theo Pháp luật Việt Nam)