Có nhà, không có đất cũng được cấp "sổ hồng"

06/11/2006
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 05/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Thông tư này hướng dẫn chi tiết, cụ thể các trường hợp, các vấn đề có liên quan đến triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN) tại các địa phương.
Nhà không có đất cấp GCN thế nào?

Những trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở hay chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCNQSHNƠ) và quyền sử dụng đất ở theo mẫu quy định.

Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đã có GCN quyền sử dụng đất, nếu có nhu cầu cấp thêm GCNQSHNƠ thì được cấp theo mẫu quy định tại khoản 2 điều 44 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP và không phải nộp lại GCN quyền sử dụng đất.

Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đã có GCNQSDĐƠ, nếu có nhu cầu cấp một giấy chứng nhận bao gồm cả QSHNƠ và quyền sử dụng đất thì được cấp theo mẫu quy định tại Nghị định số 90/2006/NĐ-CP và phải nộp lại GCN quyền sử dụng đất. Những trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì được cấp GCNQSHNƠ theo mẫu quy định tại khoản 2 điều 44 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP. Chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở là những trường hợp chủ sở hữu có nhà ở trên đất ở do thuê, mượn của các chủ sử dụng đất.

Nhà chung cư được cấp GCN ra sao?

Các loại giấy chứng nhận khác không thay đổi giá trị pháp lý
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, tất cả các loại Giấy chứng nhận về nhà, đất mà người dân đã được cấp trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực đều không hề có sự thay đổi về giá trị pháp lý. Người dân có thể dùng những giấy tờ này giao dịch một cách bình thường. Ngoài ra, việc cấp GCN theo Luật Nhà ở hoàn toàn theo nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, ai đã có "sổ đỏ" (GCN quyền sử dụng đất) rồi, không cần cấp GCN quyền sở hữu nhà nữa thì thôi, còn nếu muốn cấp thêm GCN quyền sở hữu nhà thì làm hồ sơ nộp cơ quan chức năng xem xét cấp.


Cũng theo Thông tư số 05, nhà ở riêng lẻ của một chủ sở hữu thì cấp giấy GCN cho chủ sở hữu đó. Nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu chung theo phần thì cấp GCN cho từng chủ sở hữu đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng. Nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì cấp một GCN có ghi tên của cả vợ và chồng. Trường hợp có vợ hoặc chồng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì chỉ ghi tên người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu chung hợp nhất nhưng không phải thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì cấp một GCN, ghi tên người được các chủ sở hữu thỏa thuận cho đứng tên trong GCN, trường hợp không có thỏa thuận thì ghi đủ tên các chủ sở hữu nhà ở đó. Nếu các chủ sở hữu chung có nhu cầu thì cơ quan có thẩm quyền cấp cho mỗi người một GCN có nội dung như nhau, ghi đầy đủ tên của tất cả các chủ sở hữu.

Trường hợp nhà chung cư của một chủ sở hữu thì cấp GCN cho chủ sở hữu nhà đó. Đối với nhà chung cư xây dựng để bán thì không cấp GCN cho chủ đầu tư mà cấp cho chủ sở hữu căn hộ. Trường hợp nhà chung cư thuộc sở hữu chung theo phần thì cấp GCN theo từng căn hộ cho từng chủ sở hữu như nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu chung.

Thông tư 05 cũng quy định, cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị cấp GCN phải có bảng thông báo công khai các nội dung theo quy định tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm tiếp nhận hồ sơ hoặc trên mạng Internet.

Các nội dung cần phải công khai, gồm: danh mục các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại xác nhận thay đổi GCN; thời hạn giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác, thời gian và địa điểm nộp các khoản nghĩa vụ này.

Thông tư cũng nêu rõ: "Lãnh đạo UBND các cấp, lãnh đạo cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ phải công khai số điện thoại (đường dây nóng) để nhân dân biết và liên hệ khi cần thiết; phải xử lý kịp thời những thắc mắc, các phản ánh về các hành vi tiêu cực nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân của cán bộ dưới quyền liên quan đến việc cấp GCN".

(Theo An ninh thủ đô)