Bộ Tư pháp và Uỷ ban Dân tộc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiếu số

31/01/2012
Ngày 17/01/2012, Bộ Tư pháp và Uỷ ban Dân tộc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiếu số.

Thông tư đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tộc thiểu số tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Thông tư được ban hành còn khắc phục những hạn chế của công tác trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiếu số trong thời gian qua như: một số hoạt động trợ giúp pháp lý chưa thực sự bám sát những đặc thù của người dân tộc thiểu số; đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh miền núi biết tiếng dân tộc thiểu số và hiểu biết về phong tục tập quán còn thiếu; các tài liệu, tờ gấp pháp luật còn chưa cụ thể, chưa phù hợp với nhận thức của người dân tộc thiểu số… Sau đây là những nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch này:

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số bao gồm: các yêu cầu, thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiếu số, phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số (Điều 1).

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng sau: người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh và Phòng Dân tộc cấp huyện; cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật (Điều 2).

Thông tư quy định 03 yêu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số là: bảo đảm người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý bằng tiếng của dân tộc mình trong trường hợp đối tượng yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt; đơn giản hoá thủ tục hành chính, cách thức thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân tộc thiểu số tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý (Điều 3).

Thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số

Chương II Thông tư quy định 04 hoạt động thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số là: cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí; đơn giản thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; trợ giúp pháp lý tại cơ sở và truyền thông về trợ giúp pháp lý.

Theo đó, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí đối với người dân tộc thiểu số bằng các hình thức: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (Điều 4).

Đối với hoạt động đơn giản thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, Thông tư quy định: người dân tộc thiểu số khi yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu có khó khăn trong việc xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải tiếp nhận yêu cầu, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các tổ chức chính trị - xã hội nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xác minh và thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (Điều 5).

Điều 6 Thông tư quy định các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở là: tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về những vấn đề pháp luật mà người dân tộc thiểu số thường có vướng mắc; tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân tộc thiểu số tại địa phương; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số; lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở với hoạt động xét xử lưu động của Toà án, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động tìm hiểu pháp luật, lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Để người dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình, Điều 7 Thông tư quy định Trung tâm và Chi nhánh thực hiện việc truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua các phương thức: biên soạn, in ấn và cung cấp miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân bằng tiếng dân tộc thiểu số; soạn thảo các tài liệu pháp luật, thu và sao băng cát xét bằng tiếng dân tộc thiểu số để phát trên đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh xã; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý cho từng vùng, miền phù hợp với đặc điểm của người dân tộc thiểu số trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí ở trung ương và địa phương; đặt các Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý bằng tiếng dân tộc thiểu số tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm y tế, Đồn Biên phòng, điểm bưu điện văn hóa xã.

Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý

Điều 8 Thông tư quy định các hoạt động để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là: khảo sát, nghiên cứu nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng của người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nội dung, hình thức và phương pháp tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và bồi dưỡng tiếng dân tộc thiếu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Thông tư quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Uỷ Ban dân tộc và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tổ chức thực hiện Thông tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao (Điều 13) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2012.

Lê Thuý