Việc ban hành Thông tư liên tịch góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường và thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong cuộc sống. Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự, qua đó, phòng tránh các hành vi trái pháp luật trong khi thực hiện công vụ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự nói riêng và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự nói chung. Thông tư liên tịch tập trung hướng dẫn các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng
Để thống nhất việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch quy định đối tượng áp dụng bao gồm: các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do công chức các cơ quan thi hành án dân sự gây ra và các cơ quan có trách nhiệm bồi thường như: Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu; cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bồi thường nhà nước.
Thứ hai, xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
- Để có căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch đã quy định cụ thể các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự, và trường hợp người thi hành công vụ không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự.
- Quy định thống nhất về các văn bản xác định hành vi trái pháp luật, việc xác định lỗi cố ý của người thi hành công vụ, xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường trong trường hợp ra hoặc cố ý không ra quyết định thi hành án, trường hợp thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án, trường hợp phải bồi thường trong áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trong cưỡng chế thi hành án, thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ, tiếp tục thi hành án, tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án.
Thứ ba, hướng dẫn xác định thiệt hại được bồi thường, bao gồm các quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, giảm sút.
Thứ tư, hướng dẫn thủ tục giải quyết bồi thường, bao gồm các quy định về: hồ sơ yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại khi yêu cầu bồi thường; các thủ tục thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường, cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại, tổ chức thương lượng việc bồi thường sau khi kết thúc việc xác minh thiệt hại và các thủ tục khác như ban hành quyết định giải quyết bồi thường, chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và một số quy định khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2012./.
Cục Bồi thường Nhà nước
nguyentohang@moj.gov.vn