Theo đó, việc kiểm tra công tác đấu thầu có thể được tiến hành định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất; trong đó kiểm tra định kỳ là việc tiến hành kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên hàng năm được người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra phê duyệt.
Cơ quan tiến hành kiểm tra định kỳ sẽ kiểm tra 08 nội dung bao gồm: Kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; Công tác đào tạo về đấu thầu; Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, chứng chỉ liên quan đến trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên gia đấu thầu; Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đấu thầu; Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu; Phát hiện những tồn tại, sai sót trong công tác đấu thầu và đề xuất biện pháp khắc phục; Tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu; Việc triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra về công tác đấu thầu.
Căn cứ tình hình thực hiện công tác đấu thầu của từng năm, đơn vị chủ trì lập kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm sau, trình người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện. Kế hoạch kiểm tra định kỳ được gửi cho đối tượng kiểm tra và cơ quan cấp trên của đối tượng kiểm tra trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày được phê duyệt, nhưng phải đảm bảo tối thiểu 10 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.
Kiểm tra đột xuất là việc tiến hành kiểm tra theo từng vụ việc (khi có vướng mắc, kiến nghị, đề nghị) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra. Căn cứ theo yêu cầu kiểm tra đột xuất, quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy định các nội dung kiểm tra cho phù hợp…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/02/2011 và thay thế Quyết định số 327/2007/QĐ-BKH ngày 09/04/2007 về Quy trình kiểm tra đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thành Công