Vướng mắc, bất cập và những vấn đề cần huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự

24/12/2008
Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan tổ chức nói chung và cơ quan thi hành án dân sự nói riêng.

Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là căn cứ pháp lý để các cơ quan tố tụng, người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong tố tụng hình sự, về trình tự, thủ tục điều tra, truy tố xét xử và thi hành án. Việc giao, nhận bản án, tang vật; giải thích bản án; công tác xác minh phục vụ cho hoạt động điều tra; xét miễn, giảm, đặc xá; hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã được các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ tiến hành tố tụng hình sự chú trọng triển khai, thực hiện.

Trong những năm qua, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật hình sự đã được các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền quán triệt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó nâng cao về mặt nhận thức cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đề cao trách nhiệm và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc áp dụng các hình thức phạt tiền bên cạnh hình phạt chính là tù giam đã tăng cao tính răn đe, giáo dục, tính trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của những người thực hiện hành vi phạm tội.

Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án nhìn chung chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi công việc, từ đó tránh được sự tuỳ tiện và hạn chế được những thiếu sót, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ. Viện kiểm sát nhân dân các cấp trực tiếp kiểm sát hồ sơ thi hành án, cũng như trong quá trình giải quyết thi hành các bản án hình sự như: thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các quyết định cưỡng chế: kê biên, định giá, phát mãi tài sản, tiêu huỷ, sung công tang tài vật…Việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án và Toà án, Viện kiểm sát trong công tác xét miễn, giảm được thực hiện thường xuyên, trên tinh thần tích cực, đúng theo quy định của pháp luật.

Nhiều cấp Uỷ, Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo thi hành án quan tâm, chỉ đạo sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quả trong việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, cũng như công tác thi hành án, góp phần nâng cao được hiệu quả công tác thi hành án. Có địa phương tiến hành họp giao ban khối nội chính hàng tuần yêu cầu các cơ quan báo cáo tình hình tội phạm và tình hình an ninh chính trị, các vụ việc có tính chất phức tạp trong tuần. Chỉ đạo các cơ quan tố tụng trong chức năng quyền hạn phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan thi hành án dân sự giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, tránh để bức xúc trong nhân dân.

Trên cơ sở quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng, Bộ Tư pháp đã xây dựng và triển khai các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự được đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có nhiều vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ.

1. Những vướng mắc, bất cập:

a) Về quy định nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án

Điều 22 quy định nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án, nhưng không quy định về tính khả thi của bản án nên có nhiều trường hợp hiệu lực của bản án khó được thi hành trên thực tế. Ví dụ, bản án tuyên hình phạt tiền đối với đương sự sống lang thang hoặc trong vụ án ma tuý, hình phạt bổ sung là tiền với giá trị lớn nhưng bản thân đương sự đang thụ hình, không có tài sản, thân nhân ruồng bỏ hoặc là đương sự đã mãn hạn tù nhưng không có nghề nghiệp, thu nhập hoặc là không trở về địa phương (có thể nhà ở thuộc khu vực giải toả nên gia đình chuyển đi nơi khác không để lại địa chỉ) nên bản án không thi hành được nhưng cơ quan thi hành án vẫn phải theo dõi vì là quyết định thi hành án chủ động, do đó dẫn đến việc tồn đọng dài hạn.

b) Quy định về việc giao bản án, quyết định phúc thẩm

Điều 25 quy định việc giao bản án, quyết định phúc thẩm, theo đó Toà án phải gửi bản án, quyết định cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát, Công an, cơ quan thi hành án trong thời hạn 10 ngày. Thực tế việc chuyển giao này không thực hiện đúng theo quy định, thiếu quy định cụ thể và thiếu chế tài đối với cơ quan liên quan trong việc chuyển giao án, dẫn đến hiện tượng chuyển dồn án ở những thời điểm cuối năm hoặc chuyển giao án đối với khoản tiền phạt, tịch thu tài sản, quyết định dân sự trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hình sự chậm, tạo cơ hội cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản hoặc bỏ địa phương đi nơi khác, làm cho việc thi hành án về phần dân sự gặp rất nhiều khó khăn.

c) Quy định về bảo quản và  xử lý vật chứng

Điều 75 có quy định “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng quy định kho vật chứng được tổ chức tại cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án. Khi bàn giao tang vật từ kho cơ quan điều tra sang kho của cơ quan thi hành, cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án phải phối hợp với nhau thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hướng dẫn về thời điểm giao nhận vật chứng tại điểm a khoản 3 Thông tư số 06/2003/TT-BCA (V19) ngày 12/3/2003 của Bộ Công an thì sau khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án đang được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan công an phải được chuyển sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án để quản lý phục vụ công tác xét xử và thi hành án. Ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đang thụ lý vụ án ra lệnh xuất và thực hiện việc nhận, vận chuyển, chuyển giao vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án từ kho vật chứng của cơ quan công an sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án. Tại điểm 21.2 mục 21 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 7/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về thủ tục giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát được thực hiện như sau: Vật chứng đi kèm hồ sơ vụ án được chuyển giao cùng hồ sơ vụ án. Vật chứng đi kèm hồ sơ là những vật chứng có thể đưa vào hồ sơ vụ án như séc giả, bằng giả ..., những vật chứng gọn nhẹ dễ vận chuyển và bảo quản (con dao, con dấu, cái búa ...) và không thuộc trường hợp qui định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 75 của BLTTHS. Khi Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì không phải bàn giao lại vật chứng, trừ trường hợp Cơ quan điều tra có yêu cầu. Khi giao nhận lại vật chứng phải lập biên bản có chữ ký của bên giao, bên nhận và được đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng được bảo quản tại kho của Cơ quan Công an hoặc tại kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội thì khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Công an hoặc từ kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án cùng cấp. Trong thời hạn 2 ngày, kể từ khi nhận được quyết định chuyển vật chứng, cơ quan Công an hoặc Cơ quan điều tra trong Quân đội quản lý vật chứng có trách nhiệm bàn giao vật chứng đó cho cơ quan thi hành án cùng cấp và chuyển biên bản giao nhận vật chứng giữa hai cơ quan cho Viện kiểm sát để đưa vào hồ sơ vụ án. Thời điểm giao nhận vật chứng, tài sản theo hướng dẫn tại điểm 1.1 khoản 1 mục II Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 5/7/2006 của Bộ Tư pháp như sau: Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc Cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Như vậy, thời điểm giao nhận vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự từ kho vật chứng của cơ quan điều tra sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án theo quy định tại các văn bản pháp luật Bộ luật tố tụng hình sự không thống nhất. Nhiều trường hợp mặc dù Viện kiểm sát đã có quyết định chuyển giao vật chứng, nhưng cơ quan thi hành án không tiếp nhận vật chứng do không có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Toà án.

Việc tiêu huỷ vật chứng theo phương thức nào đối với từng loại vật chứng để bảo vệ môi trường quy định tại Điều 76 chưa được cụ thể, nên việc tiêu huỷ hiện nay còn rất tuỳ tiện.

           d) Về đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo

         Điều 93 quy định đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Cơ quan quyết định áp dụng biện pháp này là cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và khi bị can, bị cáo được các cơ quan trên triệu tập vắng mặt thì số tiền đặt cọc bị sung quỹ Nhà nước, còn trong trường hợp bị can, bị cáo có mặt theo quy định được nhận lại tiền đặt cọc. Việc quy định như vậy cũng còn chưa hợp lý, vì chỉ đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chứ chưa thể đảm bảo cho hoạt động thi hành án. Bởi theo quy định các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau cùng có chung một nhiệm vụ đó là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

đ) Quy định về án phí hình sự

  Điều 98 và 99 quy định các bị cáo phải chịu án phí hình sự, theo đó án phí hình sự sơ thẩm là 50.000 đồng và án phí hình sự phúc thẩm là 50.000 đồng. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bị cáo phải chịu loại án phí này không có điều kiện thi hành, việc thi hành án kéo dài (ít nhất 5 năm) mới được xét miễn, nên cơ quan thi hành án dân sự phải xác minh, đôn đốc, theo dõi việc thi hành rất tốn kém.

e) Về tạm giữ đồ vật và kê biên tài sản

Điều 145 về tạm giữ đồ vật và Điều 146 về kê biên tài sản không quy định rõ cách ghi nội dung biên bản về tình trạng từng tài sản, nên việc xử lý vật chứng hoặc tài sản đảm bảo thi hành án trong nhiều trường hợp gặp khó khăn do phải chờ Toà án đính chính, vì số máy, số sườn, biển số của xe máy không khớp với thực tế; tên hiệu của vật chứng bằng tiếng nước ngoài ghi sai hoặc ghi sai mã số; diện tích đất đai, nhà cửa ghi sai so với thực tế, không đúng số thửa và số tờ bản đồ.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền kê biên tài sản nhằm bảo đảm cho việc thi hành án đối với bị can, bị cáo khi họ có thể bị tuyên tịch thu tài sản hoặc phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú trọng áp dụng biện pháp này. Do đó, đến khi đưa bản án, quyết định của Toà án ra thi hành, cơ quan thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc thi hành khoản phạt tiền và bồi thường thiệt hại, vì phần lớn các đương sự không còn tài sản do đã bị tẩu tán.

g) Về thời hạn, thủ tục nhận bản án, quyết định hình sự sơ thẩm

Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định việc giao bản án và quyết định phúc thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định mà không có điều khoản nào quy định thời hạn Toà án phải chuyển giao bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án dân sự. Nếu theo cách tính thông thường, nếu hết thời hạn kháng cáo (15 ngày), kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên (30 ngày) mà không có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Việc giao nhận bản án, quyết định hình sự từ Toà án và cơ quan thi hành án được thực hiện theo quy định chung, ghi nhận sự kiện này chỉ có biên bản giao nhận giữa 02 cơ quan. Vì vậy, có tình trạng Toà án chậm chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan thi hành án không kịp thời giải quyết vật chứng (tài sản để lâu trong kho đã bị hư hỏng, giảm sút về giá trị không bán được), không xác định được trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, đương sự thắc mắc tại sao việc thi hành án chưa được giải quyết trong khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.

h) Thẩm quyền, thủ tục thi hành án

Điều 256 khoản 1 quy định “Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án” và khoản 3 quy định “Quyết định thi hành án, trích lục bản án hoặc quyết định phải được gửi cho…cơ quan thi hành án”.  Điều 257 khoản 5 quy định “cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình  sự”. Điều 267 về thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản: “Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án truy cứu”.

           Tuy nhiên, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 (Luật thi hành án dân sự năm 2008) quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với khoản tiền phạt, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự). Như vậy, cùng một nội dung, hai văn bản pháp luật quy định chồng chéo về thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền giữa Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự với Chánh án Toà án. Thực tế, có nơi, đặc biệt là tại các cấp huyện, cùng một khoản phải thi hành là hình phạt tiền nhưng Toà án và cơ quan thi hành án dân sự cùng ra quyết định thi hành án.

Mặt khác, Điều 256 và 257 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với khoản án phí, truy thu tiền trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hình sự và cơ quan nào thi hành các khoản này.

Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sáu cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án và quyết định của Toà án, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự, nhưng không có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức này nên cơ quan thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc tống đạt, thông báo các văn bản có liên quan của cơ quan thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù. Ví dụ trong trường hợp xử lý tài sản vật chứng, sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành về phần tài sản còn cơ quan thi hành án hình sự thi hành về phần hình phạt. Khi xử lý vật chứng, tài sản trả lại cho đương sự, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không thể nắm bắt được thông tin về đương sự đang thi hành hình phạt tù ở trại giam nào, Chấp hành viên phải tìm kiếm thông tin, tốn nhiều thời gian, giấy tờ mới xử lý được.

i) Quy định việc thông báo của Ban Giám thị trại giam đối với người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù

 Điều 260 chỉ quy định việc thông báo của Ban Giám thị trại giam đối với gia đình của người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù chứ chưa quy định việc Ban Giám thị trại giam phải thông báo với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án nơi xét xử sơ thẩm. Điều này gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thi hành án. Ví dụ trường hợp B phải thi hành hình phạt tử hình, do B phạm tội ở địa bàn tỉnh Q nên được đưa ra xét xử tại Toà án nhân dân tỉnh Q. Toà án nhân dân tỉnh Q tuyên B được nhận lại một số tài sản liên quan đến nhân thân (giấy tờ tuỳ thân…). Sau khi xét xử xong thì B được di lý về trại cải tạo nơi quê quán của B ở tỉnh C. Trong quá trình giải quyết, cơ quan thi hành án dân sự không biết B ở trại nào cũng như không biết đã tử hình hay chưa. Bên cạnh đó, việc báo gọi, phối hợp với trại cải tạo chuyển giấy báo cũng chưa hiệu quả. Vì vậy, án vẫn tồn đọng tại cơ quan thi hành án dân sự, không xử lý được.

Điều 274 quy định “người bị kết án, cơ quan tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị để kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này”, nhưng không có điều khoản nào quy định cụ thể trong thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được thông báo thì Toà án có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và trả lời kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án phát hiện bản án, quyết định của Toà án có sai sót và đã có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét, giải quyết dẫn đến vụ việc tồn đọng, kéo dài, không thể thi hành dứt điểm.

k) Quy định về giảm thời hạn hoặc miễn hình phạt không phải là hình phạt tiền

Điều 268 và 269 quy định giảm thời hạn hoặc miễn hình phạt không phải là hình phạt tiền chưa đề cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự. Việc quy định Viện kiểm sát đề nghị Toà án xét miễn giảm hình phạt tiền trong hồ sơ xét miễn, giảm hình phạt tiền mà không phải là cơ quan thi hành án dân sự tạo ra thủ tục rườm rà, vì Viện kiểm sát không trực tiếp thi hành án đối với hình phạt tiền.

l) Về xoá án tích

Điều 271 về xoá án tích, chưa đề cao và quy định vai trò của cơ quan thi hành án dân sự do vậy dẫn đến hiệu quả giáo dục, thuyết phục các đương sự thi hành án chưa cao. Có rất nhiều trường hợp đương sự đã được xoá án tích nhưng thực tế việc thi hành án dân sự của họ chưa được thực hiện xong do đó không tạo ra cho họ ý thức tự nguyện thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự.

2. Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và huỷ bỏ:

Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh chính sách hình sự, giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù và mức hình phạt tù đối với một số loại phạm tội, đồng thời tăng việc áp dụng các loại hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền để giảm số lượng người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, mở rộng hơn việc giảm thời gian chấp hành phạt tù để làm giảm số lượng phạm nhân tồn đọng trong các trại giam.

a) Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần được sửa đổi:

- Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự cần thêm cụm từ: “ UBND cấp xã nơi cư trú của tội phạm biết để phối hợp” vào ngay sau cụm từ: “ ... cho cơ quan Nhà nước đã báo tin ...”, nhằm mục đích làm rõ nơi nhận để thực hiện.

- Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nên thêm cụm từ: “Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn đã chứng minh có điều kiện bảo đảm việc giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn dân sự sau này, thì phải tạm giữ, kê biên vật chứng, tài sản để bảo đảm giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự sau này” ngay sau cụm từ: “Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự” nhằm để tránh cơ quan tố tụng trả tài sản là vật chứng, tài sản của vụ án cho đương sự trước khi đưa ra xét xử, gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự.

- Điều 93 về đặt tiền hoặc tạm giữ tài sản có giá trị để bảo đảm, khoản 3 nên sửa đổi thành: “Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã đặt cọc và giao cho bị can, bị cáo 1 bản, cơ quan thi hành án cùng cấp 1 bản. Số tiền và tài sản đã đặt cọc chuyển cho cơ quan thi hành án tạm giữ, bảo quản để đảm bảo việc thi hành án ”. Đoạn 2 khoản 4 cần sửa đổi thành “Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì được nhận lại khoản tiền đã đặt cọc tại cơ quan thi hành án sau khi đã thực hiện đầy đủ các khoản tiền phải thi hành theo bản án.”

Quy định như vậy nhằm tránh việc đến giai đoạn thi hành án, người phải thi hành án tẩu tán tài sản. Thực tế nhiều vụ việc bị can, bị cáo thực hiện biện pháp đặt cọc để thay thế biện pháp tạm giam sau khi được cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trả lại số tiền đặt cọc đến giai đoạn thi hành án không có điều kiện để thi hành, bởi vì việc thi hành nghĩa vụ nộp tiền liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án nên các đối tượng phải thi hành án thường tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm thi hành án, trong khi cơ quan thi hành án không có thẩm quyền khám xét và tạm giữ đồ vật, tài sản.

- Khoản đ Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đổi theo hướng cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng từ giai đoạn điều tra đến khi có quyết định của Toà án đưa vụ án ra xét xử, cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng từ khi có quyết định của Toà án đưa vụ án ra xét xử và trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo hạn chế tốn kém trong trường hợp Toà án trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại nhưng sau đó cơ quan Điều tra hoặc Việc kiểm sát đình chỉ vụ án và quyết định xử lý vật chứng.

- Điều 145 về tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét cần được sửa đổi: “Khi bị can bị truy tố về các tội danh mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì khi khám xét cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu để đảm bảo việc thi hành án và gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự”.

- Điều 256 sửa đổi theo hướng không giao cho Chánh án Toà án nhân dân ra quyết định thi hành án đối với khoản: “Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự”, mà quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đối với các khoản này để tránh tình trạng chồng chéo thẩm quyền và phù hợp với Luật thi hành án dân sự năm 2008, như sau:

“Điều 256. Thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Toà án

1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

3....”.

- Khoản 5 Điều 257 cần sửa đổi như sau: “Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp”.

- Sửa đổi đoạn 2 của Điều 260 của Bộ luật tố tụng hình sự “Ban Giám thị trại giam phải thông báo cho gia đình người bị kết án và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án nơi xét xử sơ thẩm biết nơi người đó chấp hành hình phạt”.

b) Các quy định cần bổ sung:

- Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung như sau:

- Điều 146: Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự khi kê biên tài sản giao cho chủ sở hữu tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản và lập thành 3 bản: đương sự 1 bản, Viện kiểm sát 1 bản và đưa vào hồ sơ vụ án 1 bản. Pháp luật không có quy định việc chuyển giao biên bản này cho cơ quan thi hành án nên khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì những biên bản kê biên này cơ quan thi hành án không có, khi cơ quan thi hành án yêu cầu Toà án chuyển giao kèm theo bản án cũng không được đáp ứng trong thực tế. Do vậy, cần bổ sung quy định về việc gửi biên bản kê biên cho cơ quan thi hành án để thuận tiện cho việc xử lý tài sản kê biên trong quá trình thi hành án.

Khoản 1 Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự bổ sung như sau: “Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng…….đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản của bị can để bảo đảm thi hành án và gửi biên bản kê biên cho cơ quan thi hành án”.

- Bổ sung Điều 149: “Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tái n mà không áp dụng biện pháp kê biên để tài sản bị tẩu tán gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

- Khoản 7 Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự quy định các cơ quan thi hành án phải báo cáo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được thì phải nêu rõ lý do. Quy định này, qua thực tiễn áp dụng không khả thi (vì hầu hết các cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện việc “báo cáo cho Chánh án”. Về mặt lý luận, quy định nêu trên không phù hợp (vì cơ quan thi hành án không phải là cơ quan cấp dưới hoặc trực thuộc Toà án), do vậy việc quy định phải “báo cáo” là không phù hợp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, cần bổ sung thêm tại khoản 7 Điều 257: “Các cơ quan thi hành án phải báo cho Chánh án Toà án……; nếu chưa thi hành phải nêu rõ lý do. Cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết địa điểm chấp hành hình phạt tù của người bị kết án”.

- Về thủ tục chuyển giao Bản án, quyết định từ Toà án sang cơ quan thi hành án, cần bổ sung quy định Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định chuyển giao bản án, quyết định sang cơ quan thi hành án dân sự để thi hành (kèm theo là bản án, quyết định, biên bản chuyển giao và các tài liệu có liên quan ). Quy định như vậy dễ dàng xác định đâu là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đâu là bản án chưa có hiệu lực nhưng được đưa ra thi hành, xác định được trách nhiệm của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án  và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chuyển giao bản án, quyết định.

- Điều 268 và 269:

+ Cần bổ sung quy định Thủ Trưởng cơ quan thi hành án dân sự là thành viên Hội đồng xét miễn giảm hình phạt đại diện của cơ quan thi hành án dân sự là thành viên Hội đồng xét miễn, giảm hình phạt tù.

+ Quy định thủ tục về miễn, giảm án phí, tiền phạt và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo hướng để Thủ trưởng cơ quan thi hành án đề nghị (thay cho việc Viện trưởng Viện kiểm sát như hiện nay) cho gọn về một đầu mối và không trái với Luật thi hành án dân sự năm 2008.

- Điều 270 và Điều 271 về việc xoá án tích cần được quy định rõ trong luật về điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ dân sự.

- Các quy định tại Phần thứ 6 của Bộ luật tố tụng hình sự về xét lại bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm chưa quy định trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hoặc xong một phần về nghĩa vụ dân sự mà quyết định Giám đốc thẩm, Tái thẩm khác đi, gây ra hậu quả không thể khắc phục được thì phải giải quyết thế nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

- Điều 275: Nên bổ sung quy định khi cơ quan thi hành án phát hiện sai sót vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của Toà án và đã có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có trách nhiệm thời hạn trả lời trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.

- Quy định cần bổ sung ngoài quy định của Bộ luật tố tụng hình sự:

+ Cần nghiên cứu việc quản lý thu nhập của phạm nhân trong quá trình lao động, sản xuất ở các Trại cải tạo theo hướng có thể trích một phần thu nhập để đảm bảo thi hành án dân sự; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc (lao động công ích) đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

+ Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành án, cần phải sửa đổi và quy định mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án; công tác quản lý thi hành án giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và thi hành án hình sự cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành.

+ Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm  vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện; đồng thời phải quy định chế tài hành chính và chế tài về hình sự đối với các cơ quan, ban ngành hữu quan khi không phối hợp, thực hiện những yêu cầu của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án như: xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án.

+ Thực tế có trường hợp cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án, đã tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án trong khi họ đang thụ hình và đã có phát sinh tranh chấp tài sản chung, khi hướng dẫn người có lợi ích liên quan khởi kiện Toà án thụ lý nhưng Bộ luật tố tụng hình sự không có những qui định về trích xuất người đang chấp hành hình phạt tù, để Toà án xét xử trong trường hợp họ có tài sản chung với tài sản người khác trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án.Vì thế  gây khó khăn cho công tác thi hành án khi ra quyết định đình chỉ với lý do không trích xuất được bị cáo. 

+ Hiện nay các quy định pháp luật tố tụng hình sự không có những quy định về trích xuất người đang chấp hành hình phạt tù, để Toà án xét xử trong trường hợp họ có tài sản chung với tài sản người khác trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án. Thực tế có trường hợp cơ quan thi hành án khi thi hành án, đã tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án khi họ đang thụ hình và đã có phát sinh tranh chấp tài sản chung, khi hướng dẫn người có lợi ích liên quan khởi kiện toà án thụ lý nhưng ra quyết định đình chỉ với lý do không trích xuất được bị cáo, cho nên đây cũng là một khó khăn, nên cần có quy định bổ sung về vấn đề này trong Luật tố tụng hình sự.

c) Các quy định cần bãi bỏ:

- Bỏ quy định về án phí hình sự tại Điều 98 và 99 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành,

Vấn đề này được quy định tại Điều 98 của Bộ luật, các Điều 3, 4 và 5 của Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí toà án. Theo đó, án phí hình sự bao gồm án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm, án phí hình sự phúc thẩm. Mức án phí hình sự là 50.000 đồng.

Hiện nay, việc thu án phí hình sự của các cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn, qua thực tế cho thấy quy định này chưa thực sự phù hợp, bởi vì để thu 50.000 đồng án phí hình sự, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện 01 bộ hồ sơ trong đó phải thực hiện các thủ tục như: ban hành quyết định thi hành án, thông báo quyết định cho đương sự, xác minh điều kiện thi hành án… Rất nhiều trường hợp đương sự không có điều kiện thi hành, cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn và tiếp tục theo dõi đương sự cho đến khi có điều kiện thi hành. Nếu đủ điều kiện xét miễn giảm thì khoản kinh phí mà cơ quan thi hành án phải chi để hoàn thiện một vụ việc lớn hơn nhiều số tiền 50.000 đồng án phí hình sự phải thu của đương sự. Những trường hợp có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành án thì chi phí cho việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án cũng vượt quá mức án phí hình sự phải thu của đương sự…  Do đó đề nghị bỏ quy định về việc thu án phí hình sự trong Bộ luật tố tụng hình sự để giảm số đầu việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tập trung vào các công việc khác.

- Điều 257, 261, 262, 263, 269 không đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục xét miễn, giảm hình phạt tiền nữa vì đã có quy định tại Luật thi hành án dân sự nữa và không quy Viện kiểm sát phải đề nghị xét miễn, giảm hình phạt tiền, trách nhiệm này giao cho cơ quan thi hành án dân sự.

d) Kiến nghị về áp dụng pháp luật:

- Cần nghiên cứu việc quản lý thu nhập của phạm nhân trong quá trình lao động, sản xuất ở các Trại cải tạo theo hướng có thể trích một phần thu nhập để đảm bảo thi hành án dân sự; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

- Khi xét xử, Toà án cần nghiên cứu đến tính khả thi của bản án để quyết định các hình phạt phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống vì rất nhiều trường hợp đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng Tòa án vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án rất lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được.

- Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành án, cần sửa đổi và quy định mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án; công tác quản lý thi hành án giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành. Cơ quan Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nên chuyển từ Bộ Công an để giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phối hợp trong việc tổ chức thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ khác được pháp luật quy định.

Lê Minh