Theo lộ trình thực hiện Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư (LS) phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”, tháng 11 sẽ đưa học viên đi đào tạo nghề LS và thực hành nghề nghiệp ở nước ngoài”. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một LS nào ghi danh tham gia khiến đề án rơi vào nguy cơ “dậm chân tại chỗ”.
Kinh phí “khóa” đề án
Ngay khi đề án được đưa ra lấy ý kiến, đại diện nhiều công ty luật lớn trong nước như VILAF Hồng Đức, BizLink, Luật Việt, YKVN… đều có ý kiến về vấn đề kinh phí đối với đối tượng đi đào tạo LS. Theo họ, qui định tự túc kinh phí (ước tính là 70.000 USD/người/khóa học và thực tập nghề LS ở nước ngoài) cho những đối tượng tham gia đào tạo LS theo đề án là bất khả thi, bởi nếu các tổ chức hành nghề hay LS có đủ kinh phí để đào tạo thì họ không cần tham gia đề án. Nhất là trong điều kiện hội nhập, bản thân các LS và tổ chức hành nghề cũng có thể tự liên hệ để được tham gia các khóa đào tạo tương tự ở nước ngoài miễn phí mà không cần quá nhiều điều kiện bắt buộc như khi tham gia các chương trình đào tạo theo đề án.
Vì vậy đã hơn nửa năm kể từ khi đề án được phê duyệt (tháng 5/2008) giới LS vẫn hoàn toàn thờ ơ với cơ hội đào tạo này dù thực tế, giới LS Việt Nam đang “vắt chân lên cổ” mà vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn của LS thời hội nhập. Ông Lê Hồng Sơn – Q.Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi các tổ chức hành nghề LS (đặc biệt là các công ty luật lớn) để “nhắc nhở”, khuyến khích họ cử LS tham gia đề án. Nhưng vì đề án chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt là không cho giới LS thấy được những lợi ích thực sự nếu họ tham gia đề án nên chưa có một hồi âm nào để nhen lên niềm hy vọng cho tính khả thi của đề án này.
Chính phủ phải hỗ trợ
Mục tiêu của đề án không chỉ tập trung đào tạo để có những LS thuần túy, mà hướng tới việc đào tạo một đội ngũ LS tiềm năng, làm nòng cốt cho đội ngũ LS hội nhập. Nghĩa là họ sẽ còn phải tham gia các công việc mang tầm vĩ mô hơn là hoạt động nghề nghiệp của họ như đào tạo các thế hệ đi sau, tham gia xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật (VBPL), nghiên cứu, hoạch định chính sách…
Thực tế cho thấy, chất lượng các VBPL cũng như công tác thẩm định VBPL còn nhiều bất cập bởi một phần thiếu sự đóng góp của những người từng lăn lộn qua thực tiễn. Vì thế, các LS đã được đào tạo theo các chương trình của đề án khi tham gia các hoạt động xây dựng VBPL, hoạch định chính sách sẽ là những phản ánh được thực tiễn, góp phần để các VBPL, các chính sách mang được “hơi thở cuộc sống” vì bám sát và đi lên từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống.
Vì thế, ông Sơn khẳng định, đào tạo đội ngũ LS này là phục vụ trước hết nhu cầu cho Chính phủ nên Chính phủ cần đầu tư bằng một khoản kinh phí riêng (cùng với các nguồn hỗ trợ khác). Dự kiến Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ kinh phí (có thể theo tỷ lệ 70:30 giữa Nhà nước và tổ chức hành nghề LS hoặc bản thân LS, hoặc hỗ trợ gián tiếp qua thuế cho tổ chức hành nghề LS…) để tạo điều kiện và khuyến khích các LS tham gia đào tạo theo đề án.
Cần một môi trường hành nghề đạt chuẩn quốc tế
Tuy nhiên, hỗ trợ kinh phí cũng chưa hoàn toàn là động lực để thổi thêm sức sống vào đề án này, mà còn cần một chiến lược thu hút những LS đã được đào tạo quay về phục vụ đất nước. Theo ông Sơn, điều quan trọng để phát triển đội ngũ LS chuyên nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì cần phải hội đủ 3 yếu tố: con người, tổ chức hành nghề và môi trường. Vì thế, nếu Chính phủ chấp thuận các đề xuất về hỗ trợ kinh phí thì cần phải song song phát triển các công ty luật của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo ra môi trường làm việc đáp ứng được yêu cầu của những LS đã được đào tạo theo đề án, đồng thời tăng sức cạnh tranh trong hoạt động LS cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Các LS đã được đào tạo sẽ trở về hoạt động trong nước nếu có tổ chức hành nghề sẵn sàng đón nhận và có được môi trường làm việc giống như nước ngoài. Muốn vậy, các công ty luật (phối hợp với Bộ Tư pháp) sẽ được chủ động tuyển chọn những LS để cử đi tham gia chương trình và sau đó chính các công ty này sẽ tiếp nhận họ trở lại.
Đào tạo LS cho thời kỳ hội nhập là xu hướng của nhiều quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia…) nhằm bắt kịp tốc độ phát triển chung. Với đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư (LS) phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” Việt Nam cũng đã bắt kịp guồng quay này. Tuy nhiên, để đề án có thể khởi động vẫn cần một lực đẩy thực sự từ phía Chính phủ, chứ không chỉ là việc đưa ra các điều kiện đơn thuần./.
Huy Anh