Đây chính là những trăn trở hiện nay của các đại biểu tham dự Toạ đàm về lĩnh vực đăng ký bất động sản được tổ chức ngày 25/11/2008 tại Bộ Tư pháp. Tham dự Toạ đàm có đại diện Vụ Pháp luật- Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật- Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp….
Toạ đàm lần này là buổi trao đổi, thảo luận với đoàn Luật sư Shiho Shoshi- Luật sư đăng ký bất động sản của Nhật Bản và các chuyên gia phía Việt Nam, tập trung chủ yếu về các nội dung như: hệ thống đăng ký bất động sản của một số nước trên thế giới, đăng ký bất động sản qua mạng, mô hình cơ quan thực hiện việc đăng ký nên là cơ quan nhà nước hay văn phòng đăng ký, việc cần thiết phân biệt rõ chức năng quản lý của cơ quan nhà nước về bất động sản và chức năng của cơ quan đăng ký….
Tuy nhiên, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là sự cần thiết phải có được căn cứ pháp lý cho việc thực hiện mô hình đăng ký tập trung. Ông Ngô Trọng Khang – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, mô hình tổ chức nếu do nhiều cơ quan thực hiện như hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký cho người dân cũng như việc lưu giữ và sử dụng thông tin. Như ở Hà Nội từ năm 1959 thực hiện mọi công tác đăng ký đất đai và nhà ở tại Sở Nhà đất. Nhưng đến năm 1995 tách việc đăng ký đất đai và nhà ở riêng biệt thì công tác đăng ký hết sức chậm chạp, một năm chỉ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho 21 trường hợp ….sau đó hợp nhất trở lại đăng ký thống nhất nhà và đất thì việc đăng ký đã có bước phát triển đặc biệt, mỗi năm thực hiện từ 40.000 đến 50.000 trường hợp cấp giấy, trong 10 năm thì Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho hơn 90% diện tích đất. Hiện nay mô hình tổ chức lại được phân thành hai đầu mối càng gây nhiều khó khăn cho người dân cũng như các cơ quan đăng ký. Trên cơ sở những kết quả hoạt động thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu hoạt động của cơ quan đăng ký, ông Khang cho rằng cần thiết phải ban hành Dự án Luật Đăng ký bất động sản là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng thống nhất một hệ thống đăng ký đối với các loại bất động sản.
| |
Cùng chung quan điểm như ông Khang, phát biểu tại Toạ đàm ông Đỗ Đức Đôi- Giám đốc trung tâm thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho biết nước Úc có tới 70% đất đai thuộc sở hữu nhà nước, 30% đất đai thuộc sở hữu cá nhân, tuy nhiên họ cũng có được một hệ thống đăng ký thống nhất với nhiều ưu điểm. Trong khi đó ở Việt Nam vẫn đang duy trì hệ thống đăng ký phân tán, chia cắt về thông tin.
Ông Đôi cũng cho biết, tại Việt Nam hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai mô hình thí điểm về đăng ký thống nhất một hệ thống đối với cả đất đai và nhà ở, công trình xây dựng (tại Nam Định, Hà Nam, Đồng Nai….) Các dự án đưa vào thí điểm đang ngày càng chứng minh được nhiều ưu thế, hy vọng sắp tới sẽ có được cơ sở pháp lý để nhân rộng hệ thống này trên cơ sở hiện đại hoá, thống nhất một bước về hồ sơ đăng ký, hồ sơ địa chính.
Ông Đôi đưa ra ví dụ tại Đồng Nai hiện nay đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về bất động sản, hệ thống dữ liệu này do cơ quan tài nguyên, cơ quan xây dựng thiết lập và được đưa vào sử dụng chung cho các cơ quan nhà nước có nhu cầu. Đây là một mô hình cần nhân rộng trong cả nước góp phần quản lý tốt hơn nữa những thông tin về bất động sản.
Tham dự và chủ trì Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền tán thành với quan điểm của ông Đôi và ông Khang, khẳng định việc xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung về các loại bất động sản là một yêu cầu hết sức cần thiết xuất phát từ thực tế, một số địa phương hiện nay vẫn đang thực hiện mô hình đăng ký tập trung, thống nhất, tuy nhiên lại chưa có được căn cứ pháp lý cho việc thực hiện hệ thống đăng ký này. Quá trình xây dựng dự án Luật Đăng ký bất động sản hiện nay do còn có nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm và phương hướng xây dựng dự án luật, từ đó dẫn đến những đánh giá khác nhau về mức độ cần thiết của đạo luật, do đó dự án Luật này chưa được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XII và chưa được đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và làm rõ những nội dung này là hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai xây dựng luật trong thời gian tới.