Ngoại lệ của WTO được hiểu là trong một số trường hợp cho phép các nước thành viên được làm khác đi so với các nguyên tắc cơ bản của WTO nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh, đạo đức, sức khoẻ của con nguời, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, bảo đảm cán cân thanh toán. Ngoại lệ đã được đặt ra trong quá trình đàm phán và xây dựng các văn kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới, đặc biệt được chú trọng trong các lĩnh vực thương mại quốc tế và quy định tại các văn kiện của WTO trong 3 lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có các ngoại lệ giành riêng cho các nước đang phát triển.
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994)
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 dành một số ngoại lệ cho các Thành viên để đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an ninh, lợi ích quốc phòng, bảo vệ các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, truyền thống lịch sử, bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường, di sản quốc gia, tài nguyên quý hiếm, ngăn chặn gian lận thương mại, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, liên quan đến các sản phẩm lao động của tù nhân, chính sách độc quyền, bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại, duy trì hoà bình và an ninh thế giới, tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán, mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dùng của Chính phủ và chi trả các khoản trợ cấp. Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh và sự phát triển kinh tế của mỗi nước. Các quy định của WTO là bắt buộc nhưng cũng có những ngoại lệ riêng, theo đó các Thành viên có thể áp dụng các biện pháp trái với quy tắc đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong phạm vi cho phép khi thực thi nghĩa vụ của mình.
Điều XX quy định việc áp dụng các ngoại lệ chung không được tạo ra sự phân biệt đối xử phi lý giữa các nước có điều kiện như nhau hay hạn chế, ngăn cản thương mại quốc tế. Áp dụng các ngoài lệ trái với quy tắc không phân biệt đối xử trong trường hợp cần thiết: bảo vệ đạo đức công cộng; bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, động vật hay thực vật; liên quan đến việc xuất hoặc nhập khẩu vàng và bạc; liên quan đến các sản phẩm sử dụng lao động của tù nhân; bảo đảm sự tôn trọng pháp luật và các quy tắc không trái với các quy định về áp dụng các biện pháp hải quan, duy trì hiệu lực của chính sách độc quyền, bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và các biện pháp ngăn ngừa gian lận thương mại; di sản quốc gia; gìn giữ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt.
Điều XXI quy định về việc các bên không có nghĩa vụ phải cung cấp những thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ các quyền lợi thiết yếu tới an ninh của mình; có những biện pháp thực thi các cam kết nhân danh Hiến chương Liên hiệp Quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Điều XII - Hạn chế để bảo vệ cán cân thanh toán: để bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán, có thể hạn chế số lượng hay giá trị hàng hoá cho phép nhập khẩu với điều kiện các hạn chế nhập khẩu không vượt quá mức cần thiết để ngăn ngừa mối đe doạ hay ngăn chặn sư suy giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại hối hay để nâng dự trữ ngoại hối lên một mức hợp lý. Các bên khi áp dụng quy định này cam kết tránh gây tổn hại không cần thiết cho quyền lợi thương mại, kinh tế và không áp dụng các hạn chế nhằm ngăn ngừa bất hợp lý việc nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào có số lượng thương mại tối thiểu dẫn đến làm đảo lộn các kênh thương mại bình thường.
Khoản 8 Điều 3: Đãi ngộ quốc gia trong thương mại hàng hoá không áp dụng đối với trường hợp các cơ quan Chính phủ mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dung của Chính phủ và chi trả các khoản trợ cấp chỉ dành cho các nhà sản xuất nội địa hay hạn chế số lượng nội địa liên quan đến số lượng phim trình chiếu.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã nội luật hóa những ngoại lệ này và về cơ bản là phù hợp với GATT, cụ thể là tại Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá đã quy định rằng, để bảo đảm lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc thì không áp dụng đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia, không áp dụng nguyên tắc này với cả những nước tiến hành hoặc tham gia tiến hành các hoạt động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, Luật doanh nghiệp và Luật An ninh quốc gia cũng cấm các hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục, quy định các biện pháp cần thiết bảo vệ an ninh quốc gia v..v, những quy định này là hoàn toàn phù hợp, vừa bảo vệ được quyền lợi thiết thực của quốc gia vừa đảm bảo đảm thực thi các cam kết.
Đối với ngoại lệ liên quan đến việc xuất nhập khẩu vàng và bạc được quy định tại Pháp lệnh về ngoại theo đó Chính phủ có thẩm quyền trong việc hạn chế mua, mang, chuyển, thanh toán đối với các giao dịch trên tài khoản vãng lai, tài khoản vốn để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng và bạc được quy định tại Điều 31: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng của tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép kinh doanh vàng.
Đối với các ngoại lệ để duy trì hiệu lực của chính sách độc quyền, bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và các biện pháp ngăn ngừa gian lận thương mại thì Việt Nam đã có một loạt văn bản quan trọng điều chỉnh các vấn đề này. Ví dụ, theo quy định của Luật Hải quan thì có thể kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi vắng mặt người khai hải quan, hay theo Điều 4 Luật Thương mại thì Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn hay Điều 31 và 77 Luật Thương mại cũng có quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế hay áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ; theo Luật Sở hữu trí tuệ thì Nhà nước chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp... Nhìn chung, những quy định này là khá phù hợp với GATT.
Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)
Cũng tương tự như Hiệp định GATT, ngoại lệ trong thương mại dịch vụ được áp dụng đối với các yêu cầu cơ bản về an ninh, sức khoẻ của con người, động thực vật; quyền lợi thương mại hợp pháp của một doanh nghiệp, mua sắm của Chính phủ v..v Ngoài ra, còn có các ngoại lệ về việc thực hiện đánh thuế hoặc thu thuế; thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; ngăn ngừa lừa đảo, gian lận thương mại.
Khoản 2 Điều II: quy định có thể duy trì biện pháp không phù hợp với yêu cầu của đối xử tối huệ quốc, với điều kiện là biện pháp đó phải được liệt kê và đáp ứng các điều kiện của Phụ lục về các ngoại lệ đối với Điều II.
Điều III bis: các thành viên được quyền không cung cấp thông tin bí mật nếu việc tiết lộ thông tin đó có thể gây cản trở đến việc thi hành pháp luật, trái lợi ích công cộng hoặc làm phương hại đến quyền lợi thương mại hợp pháp của một doanh nghiệp.
Điều XIVbis (Ngoại lệ vì lý do an ninh): các Thành viên không có nghĩa vụ cung cấp thông tin trái với lợi ích an ninh thiết yếu của mình; được phép thực hiện bất kỳ hành động nào vì lợi ích an ninh thiết yếu của mình hay áp dụng bất kỳ hành động nào để thực thi nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hiệp Quốc về gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế.
Điều XIV: các thành viên có thể thông qua hoặc thực thi các biện pháp cần thiết nhưng phải bảo đảm tính công bằng và không phân biệt đối xử để: bảo vệ đạo đức công cộng hoặc duy trì trật tự công cộng; bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ của con người, động thực vật; bảo đảm việc tuân thủ pháp luật hoặc quy định không trái với các quy định của Hiệp định này (về ngăn ngừa các hành vi lừa đảo và gian lận để giải quyết hậu quả của việc không thanh toán hợp đồng dịch vụ, bảo vệ bí mật đời tư, tài khoản cá nhân, an toàn); bảo đảm việc thực hiện đánh thuế hoặc thu thuế; thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Những ngoại lệ này được quy định trong các văn bản liên quan như Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, Luật Hàng hải, Luật Xuất bản, Luật doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật an ninh quốc gia, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, Pháp lệnh bưu chính viễn thông và một số văn bản dưới luật khác.
Cụ thể là, Điều 10 Pháp lệnh MFN và NT quy định về một số trường hợp không áp dụng đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ: Các ngoại lệ về đối xử tối huệ quốc đối với các ngành dịch vụ được quy định trong hiệp định song phương hoặc đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước có chung biên giới; các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quy định trong các hiệp định kinh tế khu vực, hiệp định về khu vực thương mại tự do và các thoả thuận tường tự khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; đấu thầu cung cấp dịch vụ đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài.
Liên quan đến việc bảo vệ an ninh, bảo vệ đạo đức, trật tư công cộng, sức khoẻ của con người và động thực vật, ngoài các quy định tại các điều 15, 21, 27 Luật an ninh quốc gia và Điều 3 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp, tại Điều 10 Luật bưu chính viễn thông còn cấm việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông hoặc sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện, thiết bị bưu chính, viễn thông nhằm mục đích chống lại Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Điều 10 Luật hàng hải cấm việc vận chuyển người, hàng hoá, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma tuý trái với quy định của pháp luật; Điều 10 Luật Xuất bản cấm một số hành vi như tuyên truyền chống lại Nhà nước; kích động chiến tranh xâm lược. Cấm các động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh.
Đối với ngoại lệ để đối phó với các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ bí mật đời tư được quy định tại Luật Thương mại, theo quy định thì hành vi gian lận, lừa dối khách hàng khi mua bán hàng hóa bị coi là hành vi vi phạm pháp luật thương mại hay Điều 525 Bộ Luật dân sự quy định bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thoả thuận thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, Điều 38 Bộ luật Dân sự cũng quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Đối với ngoại lệ để đảo đảm việc thực hiện đánh thuế hoặc thu thuế; thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được nội luật hoá tại Thông tư 05/2005/TT-BTC ngày 11/1/2005 về hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam và Thông tư 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 hướng dẫn thực hiện tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)
Điều 3: Yêu cầu khi thực hiện quy định về đối xử quốc gia cần lưu ý đến những ngoại lệ của Công ước Paris, Rome và Berne.
Các quy định về đối xử quốc gia (Điều 3) và đối xử tối huệ quốc (Điều 4) không áp dụng cho các thủ tục quy định trong các Thoả ước đa phương được ký kết dưới sự bảo trợ của WIPO.
Điều 13: Các thành viên phải giới hạn và hạn chế những ngoại lệ đối với các độc quyền trong những trường hợp đặc biệt nhất định, không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường một tác phẩm và không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người nắm quyền.
Điều 17: Cho phép các thành viên có thể quy định một số ngoại lệ nhất định đối với các quyền được cấp liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá với điều kiện những ngoại lệ đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của chủ sỡ hữu nhãn hiệu hàng hoá và các bên thứ ba.
Điều 24: Quy định về các ngoại lệ quyền đối với chỉ dẫn địa lý xung đột với nhãn hiệu đã tồn tại trước. Theo đó, đối với nhãn hiệu hàng hoá đã nộp đơn đăng ký hoặc đã đăng ký một cách có thiện ý, hoặc các quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá được hưởng thông qua việc sử dụng có thiện ý thuộc một trong hai trường hợp: trước thời điểm thi hành các quy định này ở nước Thành viên đó như được quy định tại Phần VI; hoặc trước khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở nước xuất xứ. Các biện pháp được áp dụng để thi hành các quy định tại Mục này sẽ không phương hại đến quyền hoặc hiệu lực đăng ký hoặc quyền sử dụng một nhãn hiệu hàng hoá trên cơ sở nhãn hiệu hàng hoá đó trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý.
Điều 27: Được quyền không cấp bằng sáng chế cho những sáng chế cần phải bị cấm khai thác nhằm mục đích thương mại trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người và động thực vật để tránh gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường. Ngoài ra, các thành viên cũng có thể không cấp bằng sáng chế cho các phương pháp chẩn đoán bệnh, phương pháp nội và ngoại khoa dể chữa bệnh cho người và động vật; thực vật và động vật không phải là các chủng vi sinh, các quy trình sản xuất động và thực vật chủ yếu mang tính chất sinh học và không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh.
Điều 30. Các thành viên có thể quy định một số ngoại lệ nhất định đối với các độc quyền được cấp trên cơ sở bằng sáng chế với điều kiện bằng sáng chế đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường bằng sáng chế này và không làm tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bằng sáng chế, và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của một số Hiệp định quốc tế về sở hữu trí tuệ, chính vì vậy đây không phải là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Việt Nam, điều này được thể hiện ngay tại các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực này, mà văn bản được đề cập trước tiên phải nhắc đến đó là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Trước khi Luật sở hữu trí tuệ ra đời, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này được quy định rãi rác trong Bộ luật Dân sự, Nghị định và thông tư, còn nhiều nội dung chưa rõ ràng và chưa phù hợp với quy định của quốc tế. Do vậy, có thể nói sự ra đời của Luật sở hữu trí tuệ đã khắc phục được những hạn chế, lỗ hổng về pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ và góp phần đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Những ngoại lệ liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ còn được quy định tại Pháp lệnh MFN và NT, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, ngày 14/02/2007 của Bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 /9 /2006.
Trần Thị Tuý