Sáng nay (3/11), Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bồi thường Nhà nước – một dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo – quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án của Nhà nước gây ra; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Tại Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, mục đích chủ yếu của Luật là nhất thể hoá pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, khắc phục tình trạng tồn tại hai mặt bằng pháp lý về bồi thường thiệt hại trong hoạt động hành chính và tố tụng hình sự hiện nay. Luật này ra đời cũng sẽ tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quả để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Luật xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại để một mặt, tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước gồm 6 chương và 66 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Nhà nước là: (1) quản lý hành chính nhà nước; (2) tố tụng và (3) thi hành án. Trong từng lĩnh vực, Dự thảo quy định cụ thể các trường hợp được áp dụng cơ chế bồi thường thiệt hại theo Luật này để giải quyết. Quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi của Dự án Luật trên cơ sở quán triệt quan điểm là chính sách bồi thường nhà nước cần phải được xây dựng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ. Như vậy, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động xây dựng pháp luật (lập pháp, lập quy) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bồi thường nhà nước.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, mà không phân biệt cá nhân, tổ chức là trong nước hay ngoài nước (Điều 2).
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, với tư cách là một hình thức trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường nhà nước chỉ phát sinh khi hội đủ các căn cứ nhất định. Để có căn cứ đầy đủ, thống nhất cho việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, dự thảo Luật quy định 04 căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong đó, ngoài các căn cứ chung mà Bộ luật dân sự đã quy định còn có một căn cứ đặc thù, đó là thiệt hại phải do công chức gây ra trong quá trình thi hành công vụ (Điều 7).
Về phạm vi các trường hợp Nhà nước phải bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án. Để đảm bảo tính khả thi, Luật Bồi thường nhà nước không chỉ xác định rõ phạm vi các lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước phải bồi thường (quản lý hành chính nhà nước, thi hành án, tố tụng) mà còn phải xác định rõ phạm vi các trường hợp được Nhà nước bồi thường trong từng lĩnh vực hoạt động đó. Vấn đề này được Dự thảo giải quyết trên nguyên tắc là chỉ có hành vi trái pháp luật nào của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền sở hữu, các quyền cơ bản khác của cá nhân và các quyền của tổ chức mà mang tính phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân thì mới được Nhà nước bồi thường. Cụ thể, Dự thảo quy định giới hạn trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án tại các điều 16, 17, 18 và 43.
Về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Dự thảo Luật quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự theo hướng không chỉ pháp điển hoá các quy định về bồi thường thiệt hại do oan trong Nghị quyết số 388 mà còn bổ sung một số trường hợp mới, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự gây ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm, do đó dự thảo Luật quy định theo hướng hạn chế, cụ thể là, Nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra trong một số hoạt động nhất định là trong việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản (khoản 1 Điều 44).
Về cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước, dự thảo Luật xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường nhà nước là cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại (Điều 9). Để việc giải quyết bồi thường được tiến hành một cách thuận lợi, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cơ quan này, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước khác có liên quan, nhất là của cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước.
Để khắc phục tình trạng người bị thiệt hại không thể thực hiện được việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do không xác định được cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường như trong một số trường hợp hiện nay, dự thảo Luật đã đưa ra quy định về thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường nhà nước. Cụ thể, thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đối với các thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước và thi hành án được giao cho cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước (Điều 11); thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đối với các thiệt hại trong hoạt động tố tụng được giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 50).
Về nguyên tắc giải quyết bồi thường, dự thảo Luật quy định về vấn đề này theo hướng áp dụng các nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của pháp luật dân sự, có bổ sung thêm một số quy định đặc thù, cụ thể là: thiệt hại về vật chất thực tế được bồi thường toàn bộ; thiệt hại do tổn thất về tinh thần chỉ được bồi thường đối với một số trường hợp nhất định, theo mức được Luật này quy định (Điều 8).
Về các thiệt hại được bồi thường, để khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến giữa người bị hại và cơ quan giải quyết bồi thường như hiện nay, dự thảo Luật quy định cụ thể các loại thiệt hại được bồi thường, bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị xâm phạm quyền tự do thân thể hoặc tính mạng, sức khoẻ; thiệt hại về vật chất trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại về vật chất trong trường hợp bị tổn hại về sức khoẻ.
Hiện tại, còn một số nội dung của dự thảo Luật có ý kiến khác nhau được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội là tên gọi của Dự án Luật, phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước và thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước.
Theo dự kiến, ngày 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật này.
Phương Nam