Hiện nay, nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, nhất là sau khi gia nhập WTO thì các giao dịch, hợp đồng ngày càng nhiều, đa dạng. Do đó, một mặt đòi hỏi chúng ta vừa phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính theo hướng đơn giản thủ tục, hồ sơ và giảm thời hạn giải quyết, đồng thời cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, trong đó, việc giải quyết những vướng mắc trong giao kết hợp đồng, giao dịch là một ví dụ cụ thể.
Hiện nay, việc thực giao kết hợp đồng, giao dịch nhất là cầm cố, thế chấp tài sản; chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn có những vướng mắc, bất cập sau đây:
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 12, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về đảm bảo tiền vay của các tổ chức tính dụng quy định: “Đối với tài sản cầm cố, thế chấp là phương tiện vận tải, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản có giấy chứng nhận đăng ký, tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký, khách hàng vay khi sử dụng phương tiện được dùng bản sao có chứng nhận của Công chứng Nhà nước và xác nhận của tổ chức tín dụng, nơi nhận cầm cố, thế chấp để lưu hành phương tiện đó trong thời hạn cầm cố, thế chấp. Tổ chức tín dụng chỉ xác nhận vào một bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sau khi đã có chứng nhận của Công chứng Nhà nước. Nếu tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay, tàu biển tham gia hoạt động trên tuyến quốc tế, tổ chức tín dụng giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký có chứng nhận của Công chứng Nhà nước”.
Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông...) không chấp nhận việc khách hàng vay (chủ các phương tiện xe cơ giới) được dùng bản sao có chứng nhận của Công chứng Nhà nước và xác nhận của tổ chức tín dụng (hợp đồng) để lưu hành phương tiện đó mà đòi hỏi phải có là bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Điều này trái với quy định của NĐ 85, và các quy định pháp luật về lĩnh vực công chứng, chứng thực là bản sao được công chứng, chứng thực có giá trị như bản gốc. Nên đã cản trở việc các chủ phương tiện xe cơ giới thế chấp tài sản của họ để vay vốn sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuật ngữ “Công chứng Nhà nước” theo như NĐ 85 là chưa chuẩn xác vì ngoài công chứng của Phòng công chứng còn có chứng thực của UBND cấp huyện, cấp xã và Văn phòng công chứng.
Thứ hai, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì từ ngày 01/7/2004, “hộ gia đình và cá nhân có hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất có quyền lựa chọn việc công chứng ở Phòng Công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có đất, văn bản công chứng hay chứng thực đều có giá trị pháp lý như nhau”. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định này còn nhiều vấn đề cần phải bàn như: trình độ của các cán bộ cấp xã chưa đáp ứng yêu càu nhiệm vụ; chưa quy định ai tham mưu việc chứng thực cán bộ địa chính hay tư pháp... Tuy nhiên, vấn đề nỗi cộm nhất, đó là làm thế nào để quản lý đất đai một cách chặt chẽ, có hiệu quả tránh trường hợp đương sự vừa công chứng ở Phòng công chứng, Văn phòng công chứng, lại vừa chứng thực ở cấp để chuyển nhượng cho nhiều người, thế chấp nhiều lần trên một mảnh đất nhằm thu lợi bất chính. Bởi vì, trong hồ sơ lưu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay Phòng công chứng, Văn phòng công chứng, UBND cấp xã chỉ lưu bản sao chứ không lưu bản gốc nên rất khó kiểm soát. Mặc dù, có quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm theo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai nhưng việc này đến nay ở một số địa phương vẫn chưa triển khai được trên thực tế mà còn mang tính hình thức.
Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc ký kết hợp đồng, giao dịch vay vốn làm ăn, chuyển nhượng đất... vừa đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, tính hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước./.
Phạm Văn Chung - STP Kon Tum