Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Cần qui định rõ mối quan hệ giữa Liên đoàn và các Đoàn Luật sư

13/08/2008
Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Cần qui định rõ mối quan hệ giữa Liên đoàn và các Đoàn Luật sư
Để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất (dự kiến vào ngày 10/10), ngày 12/8, tại Hà Nội, Hội đồng lâm thời (HĐLT) Luật sư toàn quốc đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Đoàn Luật sư khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) và các Bộ, ban, ngành có liên quan đóng góp về Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam.

 Ông Nguyễn Văn Thảo (Phó Chủ tịch HĐLT) cho biết, dự thảo - được xây dựng dựa trên những qui định của Luật Luật sư và các văn bản pháp lý có liên quan – gồm 7 chương 52 điều, cùng lời nói đầu. Trước khi tổ chức Hội thảo, dự thảo Điều lệ LĐLS Việt Nam đã được gửi đến các Đoàn Luật sư trên cả nước để nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Theo ông Thảo, dự thảo có 6 vấn đề quan trọng cần được lấy ý kiến, bao gồm: Tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của LĐLS Việt Nam; LS với tư cách là thành viên của LĐLS Việt Nam; Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Đoàn LS; Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của LĐLS; Mối quan hệ giữa LĐLS Việt Nam với các Đoàn LS; Thể hiện sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trong dự thảo Điều lệ LĐLS Việt Nam.

Trong Lời nói đầu của Dự thảo Điều lệ, LĐLS Việt Nam là tổ chức tập hợp chặt chẽ đội ngũ LS Việt Nam; đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các LS và các Đoàn LS; đồng thời là tổ chức cao nhất thực hiện vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS theo cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về hành nghề LS dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, Điều lệ LĐLS Việt Nam là văn bản cao nhất của tổ chức LS ở Việt Nam, qui định về tổ chức, hoạt động của LĐLS Việt Nam và quan hệ của LĐLS với các thành viên (các LS và  các Đoàn LS Việt Nam).

Nhưng về mối quan hệ giữa LĐLS Việt Nam và các thành viên, LS Hoàng Huy Được (Đoàn LS TP.Hà Nội) thấy rằng, dự thảo Điều lệ cần xác định rõ vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của LĐLS đối với các LS thành viên, cũng như các Đoàn LS, theo nguyên tắc tăng cường, phát huy nguyên tắc tự quản của các Đoàn LS. Đồng thời phải xây dựng các qui định rõ ràng để LS là thành viên đương nhiên của LĐLS. Đồng tình với ý kiến của LS Được, LS Đinh Văn Thế (Đoàn LS tỉnh Phú Thọ) cũng nhấn mạnh phải có qui định để tăng cường mối quan hệ giữa LĐLS và các Đoàn LS. Vì theo ông Thế và nhiều đại biểu khác, nếu không qui định rõ mối quan hệ này thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tính hệ thống từ trên (LĐLS) xuống dưới (các Đoàn LS) trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động LS sau khi LĐLS chính thức ra đời.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Điều lệ, ông Lê Hồng Sơn (Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp) cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn liệu LĐLS có phải là cơ quan cấp trên của các Đoàn LS hay không. Theo phân tích của ông Sơn, các Đoàn LS là những thành viên tổ chức đương nhiên của LĐLS và Chủ nhiệm các Đoàn là thành viên của HĐLS. Vì thế, ở khía cạnh nào đó có thể coi LĐLS là cơ quan cấp trên “một phần” của các Đoàn LS. Nhưng vì các Đoàn LS cũng có quyền hạn, trách nhiệm và Điều lệ riêng nên Điều lệ phải thể hiện được sự lãnh đạo thống nhất của LĐLS đối với các Đoàn LS, có thể bằng qui định cho phép LĐLS được quyền phê duyệt kết quả đại hội của các Đoàn LS; hay có thể đình chỉ và yêu cầu các Đoàn LS sửa đổi Điều lệ nếu thấy trái với Điều lệ mẫu…

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phí tập sự, phí gia nhập, phí thành viên Đoàn LS (Điều 12 dự thảo Điều lệ). LS.Lê Quốc Hiền (Đoàn LS tỉnh Thanh Hoá) cho biết, thực tế mức phí thành viên ở các Đoàn LS hiện nay phổ biến là 50.000đồng/người/tháng, nhưng có những Đoàn LS mức phí này chỉ là 20.000đồng/người/tháng mà cũng không dễ thu đủ do điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng hoạt động LS ở nhiều địa phương còn khó khăn. Vì thế, nếu qui định một mức phí chung cho cả nước thì sẽ không đảm bảo sự công bằng. Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, không nên qui định “cứng” về mức phí đóng góp vì với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, mức phí “cứng” sẽ nhanh chóng “alạc hậu”, mà muốn sửa đổi lại phải đợi Đại hội đại biểu LS toàn quốc. Vì thế, Điều lệ nên qui định để Đại hội quyết định về nguyên tắc thu phí còn cơ quan lãnh đạo của LĐLS sẽ có những qui định cụ thể cho phù hợp với từng giai đoạn. Về vấn đề này, theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Điện (Đoàn LS tỉnh Thái Bình), mức phí thành viên LĐLS nên tính bằng 10-15% tổng mức phí thành viên của các Đoàn LS.

Về nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn LS – cơ quan chấp hành của Đại hội LS, các ý kiến cho rằng nên để nhiệm kỳ là 5 năm mới đủ để Ban Chủ nhiệm có thể thực hiện được các công việc cần thiết. Thực tế như ở Đoàn LS tỉnh Thanh Hoá, Ban Chủ nhiệm Đoàn đã phải mất 3-4 năm mới thực hiện được ý tưởng “Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí”. Do đó, nếu qui định nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn LS là 3 năm sẽ không thể đảm bảo thời gian cho các hoạt động cần thiết. Bên cạnh đó, LS.Hiền cho rằng, không nên qui định hạn chế nhiệm kỳ đối với Chủ nhiệm Đoàn LS như khoản 1 Điều 18 Dự thảo Điều lệ “một LS chỉ được bầu là Chủ nhiệm Đoàn LS nhiều nhất là 2 nhiệm kỳ liên tiếp” vì đây là “thủ lĩnh” được bầu lên do sự tín nhiệm của các thành viên trong Đoàn, chứ không phải được bổ nhiệm.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề thành viên danh dự; tài chính; khen thưởng, kỷ luật; cơ cấu, tổ chức của LĐLS; giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động LS… Ngày 14/8, HĐLT cũng sẽ tổ chức hội thảo tương tự tại Tp.HCM để lấy ý kiến của các Đoàn LS khu vực phía Nam đóng góp cho Dự thảo Điều lệ LĐLS Việt Nam, trước khi hoàn thiện Dự thảo để trình lên Đại hội Đại biểu LS toàn quốc./.

Huy Long