Dự thảo 12 Luật BTNN: Một số nội dung đã thay đổi cơ bản

07/08/2008
Như tin đã đưa, cuộc toạ đàm về Dự thảo 12 của Luật BTNN (BTNN) do Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA Nhật Bản tổ chức đã kết thúc vào chiều 6/8. Qua 2 ngày sôi nổi bình luận, góp ý cho thấy, vẫn còn khá nhiều quy định cần tiếp tục hoàn thiện để ban hành được một đạo luật có thể bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nhiều băn khoăn về phạm vi điều chỉnh

Tổ trưởng Tổ Biên tập Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Dự thảo 12 quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là quản lý hành chính nhà nước, tố tụng và thi hành án. Đối với từng lĩnh vực, Dự thảo đã liệt kê cụ thể các trường hợp được áp dụng cơ chế bồi thường thiệt hại theo Luật này để giải quyết. Ông Tịnh khẳng định, những trường hợp nào không được nêu thì sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật như thiệt hại xảy ra trong hoạt động xây dựng pháp luật bao gồm lập pháp, lập quy hay những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho các bên đối tác khi nhà nước tham gia vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại. Đặc biệt, khác những Dự thảo trước, Dự thảo 12 không giới hạn phạm vi trách nhiệm BTNN chỉ trong tố tụng hình sự mà mở rộng điều chỉnh cả tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

Đồng tình là chưa đặt vấn đề bồi thường thiệt hại do hoạt động lập pháp, lập quy trong điều kiện hiện nay của nước ta, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hồng Chương (Văn phòng Quốc hội), việc Dự thảo Luật quy định bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự mà hạn chế trong trường hợp bị sai là không hợp lý và chưa công bằng. Bà Chương lý giải, mặc dù tính chất, mức độ của oan và sai khác nhau, song hậu quả từ hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng đều do người dân phải gánh chịu.

Ông Đinh Dũng Sỹ (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, việc lựa chọn phạm vi điều chỉnh của Dự thảo 12 là một định hướng đúng và đây cũng là kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Tuy nhiên, ông Sỹ vẫn mong muốn Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cân nhắc liệu có thể đưa thêm các lĩnh vực hoạt động khác của nhà nước cho tương xứng với mục đích, yêu cầu xây dựng và ban hành Luật BTNN.

Bổ sung, lược bớt một số quy định

Về phạm vi trách nhiệm BTNN trong hoạt động tố tụng hình sự, Dự thảo 12 không chỉ pháp điển hoá các quy định về bồi thường thiệt hại do oan trong Nghị quyết 388 mà còn bổ sung một số trường hợp mới như nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự gây ra. Song đây là vấn đề mới, phức tạp nên Dự thảo quy định hạn chế là nhà nước chỉ bồi thường cho thiệt hại xảy ra trong việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản.

Theo Điều 6 Dự thảo 12, trách nhiệm BTNN phát sinh khi có 4 căn cứ, bao gồm có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ được xác định bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thiệt hại thực tế xảy ra, có quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ra thiệt hại và thiệt hại xảy ra, người thi hành công vụ có lỗi vô ý hoặc cố ý. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không tán thành một trong các căn cứ phát sinh trên. Ông Nguyễn Văn Mạnh (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thực tế ít có trường hợp có được một quyết định chính thức nêu rõ hành vi của công chức là hành vi trái pháp luật, thường chỉ có văn bản dưới dạng quyết định này tuyên huỷ quyết định khác, quyết định đình chỉ điều tra, bản án do Toà án tuyên. Theo bà Chương, việc xác định yếu tố lỗi của người thi hành công vụ là rất khó khăn, đặc biệt Dự thảo lại quy định nghĩa vụ chứng minh có lỗi của người thi hành công vụ thuộc về người bị thiệt hại.

Về trách nhiệm hoàn trả của công chức, điểm mới của Dự thảo 12 là quy định người thi hành công vụ không chịu trách nhiệm hoàn trả nếu họ có lỗi vô ý gây ra oan trong tố tụng hình sự. Quy định này nhằm bảo đảm ổn định tâm lý công tác của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự. Nhưng, theo nhận định của ông Mạnh, Dự thảo Luật quy định việc xác định mức độ lỗi trong hình thức lỗi vô ý là không khả thi. Bà Chương thắc mắc, trường hợp cán bộ, công chức thực hiện công việc theo sự phân công, uỷ quyền mà gây thiệt hại thì người phân công, uỷ quyền có phải liên đới chịu trách nhiệm không và nếu có, sẽ hoàn trả như thế nào… là những vấn đề chưa được Dự thảo Luật giải quyết.

Hoàng Thư