Xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL: Đề cao “cộng đồng trách nhiệm"

07/07/2008
Xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL: Đề cao “cộng đồng trách nhiệm"
Trợ giúp pháp lý (TGPL) và phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là hai hoạt động có vai trò rất quan trọng, mang tính nhân văn cao cả. Với tốc độ phát triển và biến đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội thời hội nhập ở nước ta, để phát huy hết hiệu quả, hoạt động TGPL và PBGDPL cần được xã hội hoá (XHH). Nhằm xác định được những cơ sở lý luận và thực tiễn phù hợp để XHH công tác TGPL và PBGDPL, ngày 4/7, tại Vĩnh Phúc, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng đề án XHH công tác TGPL và PBGDPL.

Các đại biểu tham dự đều nhất trí với quan điểm, XHH công tác PBGDPL và TGPL là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật cho cán bộ và nhân dân, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy tích cực vai trò trong công cuộc đổi mới, củng cố pháp chế và trật tự xã hội. Thông qua các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, hoạt động XHH công tác PBGDPL và TGPL được thể hiện qua việc huy động các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức và mọi người dân phối hợp, chủ động, nâng cao trách nhiệm, từng bước nâng cao chất lượng trong công tác PBGDPL và TGPL. Vì theo ông Nguyễn Uyên Minh (Vụ Pháp luật và Cải cách tư pháp – VP TƯ Đảng), PBGDPL không phải nhà nhiệm vụ của riêng một ngành, một cơ quan, tổ chức hay cá nhân mà là nhiệm vụ quan trọng của mọi thành phần trong xã hội và của mỗi công dân. XHH hoạt động TGPL và PBGDPL muốn phát huy hiệu quả phải có trọng tâm, trọng điểm và hướng về cơ sở để pháp luật đến được với mọi người dân, cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, dân tộc thiểu số, những người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt cần sự trợ giúp mọi mặt của toàn xã hội, trong đó có TGPL và PBGDPL.

Với ý nghĩa xã hội và phù hợp với truyền thống “tương thân, tương ai” của dân tộc ta và xu thế tiến bộ của nhân loại, hoạt động TGPL rất cần được XHH để phát huy hết vai trò, góp phần đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận pháp luật. Trong hoạt động này, Nhà nước không chỉ thực hiện một mình mà khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, sự đóng góp nguồn lực tự nguyện về mọi mặt, nhất là trong bối cảnh XHH dịch vụ công là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc XHH công tác TGPL tạo cơ chế, giải pháp để khuyến khích phát triển đội ngũ luật sư, những người công tác trong ngành Tư pháp đã nghỉ hưum các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư tham gia cùng nhà nước thực hiện TGPL cho người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt. XHH cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước tạo môi trường pháp lý cho các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động trong lĩnh vực TGPL. Do đó, ông Cù Thu Anh (Phó Cục trưởng Cục TGPL - Bộ Tư pháp) cho rằng, XHH hoạt động TGPL không phải là Nhà nước chuyển giao nhiệm vụ TGPL cho xã hội mà XHH TGPL thực chất là việc Nhà nước tạo cơ chế cho việc đa dạng hoá chủ thể tham gia vào việc thực hiện các hoạt động TGPL.

Hiện nay, bên cạnh hệ thống các cơ quan nhà nước thực hiện PBGDPL thì hoạt động này còn có sự tham gia của nhiều cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức tự quản của cộng đồng và cá nhân. ThS. Đỗ Hoàng Yến (Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp) đánh giá, việc tham gia của các chủ thể trên vào hoạt động PBGDPL là rất cần thiết và nên được tiếp tục phát huy. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật. Thực tế đã có nhiều mô hình điểm để khẳng định được tính đúng đắn, cần thiết của chủ trương XHH công tác PBGDPL gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Những kết quả khảo sát bước đầu của cuộc vận động này do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã là cơ sở để xây dựng các “Nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật” làm hạt nhân thực hiện việc tuyên truyền, PBGDPL trong cộng đồng dân cư, “Tủ sách pháp luật” từ nguồn đóng góp của cộng đồng, tập thể, cá nhân, phát huy nhiều hiệu quả trong thực tiễn “đưa pháp luật vào cuộc sống”.

Ý nghĩa XHH công tác TGPL và PBGDPL là không thể phủ nhận, nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu, điều quan trọng là phải thiết lập một hệ thống kiểm tra, giám sát của nhà nước đối với việc thực hiện hoạt động này, loại bỏ những xu hướng trục lợi trong chủ trương XHH của nhà nước; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia và tổ chức, thực hiện các nội dung, hình thức TGPL và PBGDPL phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và từng thời kỳ phát triển của xã hội./.

Hương Giang

Đề án XHH công tác TGPL và PBGDPL do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng với định hướng cho hoạt động này đến năm 2020 là xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về XHH hoạt động PBGDPL và TGPL; hoàn thiện mô hình thực hiện và cơ chế phối hợp giữa các cơ qua nhà nước với các chủ thể khác trong hoạt động PBGDPL và TGPL; mở rộng thực hiện XHH hoạt động PBGDPL và TGPL; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật và kỹ năng PBGDPL và TGPL cho các đối tượng thực hiện PBGDPL và TGPL; phát triển nguồn nhân lực thực hiện; mở rộng hợp tác quốc tế về các hoạt động này…