Tư vấn pháp luật và sử dụng luật sư vẫn còn là điều mới mẻ đối với người dân Việt Nam nói chung, đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Nếu như ở các nước phương Tây hay không đâu xa một số nước trong khu vực Đông Nam Á việc sử dụng luật sư một cách thường xuyên và mang tính cần thiết không thể thiếu trong việc kinh doanh của họ, thế nhưng ở nước ta vấn đề đó lại bị xem nhẹ và hầu như là một việc làm khá xa lạ, chỉ khi nào vướng mắc xảy ra tranh chấp không tự tháo gỡ được thì doanh nghiệp mới tìm đến các luật sư.
Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị trong cách bày binh bố trận hay trong cách dùng người thì luật sư giúp doanh nghiệp trong cách đi đúng pháp luật, tránh những rủi ro pháp lý và giải quyết những rủi ro pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp xem luật sư như “bác sĩ của công ty” còn luật sư lại xem doanh nghiệp như “con bệnh pháp luật”, thái độ tương phản này cần phải chấm dứt và dung hoà, phải nhìn nhận theo hướng khác, nghĩa là luật sư và doanh nghiệp phải đồng hành cùng nhau, là người nhà và cùng nhau phát triển.
Xã hội có sự chuyên môn hoá là xã hội phát triển, bởi lẽ có chuyên môn hoá thì mới có sự chuyên sâu; trong một doanh nghiệp cũng thế, chủ doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, có cơ chế quản lý chặt chẽ nhưng chưa chắc đã nắm được rõ pháp luật và nếu bên cạnh anh ta có một luật sư giỏi thì chắc chắn rằng công ty anh ta phát triển bền vững là điều đương nhiên. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có thói quen sử dụng luật sư, vậy làm thế nào để thay đổi được thói quen đó? Hiểu vấn đề thì tôi nghĩ rằng ai cũng đủ thông minh để biết rõ là cần luật sư để làm gì, song thói quen làm việc là một trong những yếu tố khiến cho người ta ngại thay đổi, mặt khác doanh nghiệp vẫn chưa hình dung được lợi ích “siêu tưởng” trong việc sử dụng luật sư tư vấn. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập WTO, một sân chơi lớn với rất nhiều cơ hội cũng như quá nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Làm thế nào để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững? Thị trường nội địa đã rất nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp luôn phải căng dây đàn song đó vẫn chỉ là một phần nhỏ của thế giới rộng lớn. Muốn vùng vẫy ở biển lớn thì không thể là cá nhỏ làm mồi cho những “ông cá lớn” được, cần phải trở mình, cần phải lột xác nếu không thể thành ông cá lớn thì cũng không thể để kẻ khác nuốt chửng mình. Vậy doanh nghiệp cần phải làm gì và làm như thế nào? Theo tôi, để tồn tại được thì yếu tố hàng đầu là yếu tố bền vững mà để phát triển bền vững thì cần có một cái móng vững chắc, trong cái móng đó yếu tố không thể thiếu là yếu tố chấp hành đúng quy định của pháp luật, nếu ở khâu đầu tiên thành lập doanh nghiệp mà anh bỏ qua vấn đề pháp lý thì sớm hay muộn doanh nghiệp của anh cũng không thể tồn tại được. Doanh nghiệp có quyền làm những gì mà luật không cấm, cơ hội mà Nhà nước dành cho doanh nghiệp của mình quả là rộng rãi, tuy nhiên điều đó không đơn giản nếu không tìm hiểu, không có chuyên môn thì không phải ai cũng thực hiện được.
Luật sư là người độc lập với DN về tài chính, tổ chức, quản lý và thậm chí là cả về tình cảm do vậy họ có thể làm việc trên quan điểm khách quan vô tư. Có những hoàn cảnh do bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân hoặc tác động từ bên ngoài ... mà không một thành viên nào của DN có thể xem xét các vấn đề pháp lý của DN đúng với sự thật bản chất của nó và đưa ra những giải pháp khả thi vì lợi ích của nhiều người, trong hoàn cảnh đó, LS với vị trí độc lập với DN có thể đưa ra những lời khuyên pháp luật đúng đắn nhất. Vì thế, tư vấn pháp luật có thể khẳng định tính hợp pháp của các quyết định pháp lý của DN và lợi ích do các quyết định đó mang lại. Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam không bắt tay ngay vào việc sử dụng tư vấn pháp luật như một điều hiển nhiên và thiết lập thành một thói quen không thể thiếu trong kinh doanh.
Thời gian gần đây đã khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến công tác pháp chế nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Công ty Cổ phần May 10, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô...
Thiết nghĩ, không chỉ có tôi mà tất cả mọi người đều mong muốn không còn những tranh chấp mà Việt Nam lại là bị đơn và chịu thiệt hại không đáng có từ những nguyên nhân yếu kém về kiến thức pháp luật.
Cao Thị Huyền Thương
CLB Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp