Phổ biến kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Việt Nam với WTO: Sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo đúng lộ trình

23/06/2008
Như tin đã đưa, hôm 20/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Phổ biến báo cáo tổng thuật về kết quả rà soát, đối chiếu các văn bản pháp luật (VBPL) Việt Nam với các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời đây cũng là cơ hội để tổng kết công tác thực hiện rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO, đồng thời rút kinh nghiệm và hướng dẫn công tác rà soát văn bản để thực thi các cam kết WTO cho các Bộ, ngành và địa phương.

Ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên của WTO và để thực hiện qui định về đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong nước với các qui định trong các Hiệp định của WTO, Việt Nam đã phải rà soát, đánh giá điều chỉnh pháp luật trong nước và tích cực chủ động điều chỉnh pháp luật từ khi chưa là thành viên của WTO. PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) – cho biết, công tác rà soát đã được tiến hành đối với tất cả các VBPL do cơ quan Nhà nước ở TƯ và địa phương (cấp tỉnh) ban hành trên 5 lĩnh vực: thương mại hàng hoá; thương mại dịch vụ; sở hữu trí tuệ; các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại; minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện hành chính.

Đến hết năm 2007, nhìn tổng thể, pháp luật Việt Nam đã thống nhất với các cam kết của Việt Nam trong WTO. Tuy nhiên, vẫn còn một số VBPL ở địa phương chưa hoàn toàn thống nhất với các nghĩa vụ của Việt Nam, cần được tiếp tục cụ thể hoá cho phù hợp, đặc biệt là các qui định về thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép hoạt động dịch vụ thương mại, chế tài hình sự đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; cần có lộ trình xử lý vấn đề liên quan đến khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, thương mại theo các cam kết;…

Trên cơ sở kết quả rà soát cho thấy rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, việc sử dụng hai cách thức thực hiện các cam kết của WTO (áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hoá) một cách linh hoạt, ít nhất trong thời gian trước mắt sẽ tạo hiệu quả cho việc thực hiện các cam kết WTO. Nhưng về lâu dài, cách thức thực hiện cam kết WTO thông qua nội luật hoá sẽ tốt hơn cho sự thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia độc lập tham gia hoạt động rà soát kiến nghị để thực hiện tốt, nhất quán, ổn định, có hiệu quả các cam kết của Việt Nam trong WTO thì cùng với hoạt động sửa đổi pháp luật, Việt Nam cần đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp “một VBQPPL sửa đổi, bổ sung nhiều VBQPPL”. Đồng thời, do các cam kết của Việt Nam trong WTO rất rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên cần phải lập cơ quan đầu mối về các vấn đề pháp lý quốc tế, trước mắt là các vấn đề pháp luật liên quan đến WTO và cơ chế phối hợp liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến WTO và các điều ước khác mà Việt Nam là thành viên.

Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay và hệ thống VBPL thì luôn có những thay đổi do việc sửa đổi, ban hành mới các VBQPPL, do đó để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với các cam kết WTO, Việt Nam cần có một cơ chế rà soát pháp luật hàng năm nhằm phát hiện những mâu thuẫn, chưa phù hợp hoặc còn thiếu trong hệ thống pháp luật để thực hiện tốt các cam kết với WTO. Kết quả rà soát của các cơ quan TƯ và địa phương sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước 1/7 để có thể đưa những kiến nghị sửa đổi, ban hành pháp luật vào Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của các cơ quan có liên quan./.

Hương Giang

Năm 2007 đã tiến hành rà soát 1.000 VBPL do các cơ quan TƯ ban hành, trong đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung 90 VB, huỷ bỏ 9 VB và ban hành mới 98 VB. Đối với 1.228 VBPL do các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành được rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 70 VB, huỷ bỏ 24 VB và ban hành mới  34 VB.

 

“Mỗi thành viên phải đảm bảo sự thống nhất của các Luật, các qui định những qui tắc hành chính của nước mình với các nghĩa vụ của mình được qui định trong các Hiệp định của WTO” (Điều XVI khoản 4 Hiệp định Marrakesh về thành lập WTO).

 

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công thương): “Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải ban hành nhiều VBPL, ký kết điều ước, cam kết quốc tế. Số lượng các cam kết của Việt Nam với WTO rất lớn, bao hàm trên nhiều lĩnh vực và các vấn đề liên quan đến thực thi cộng với 2/3 số lượng VBPL của nước ta liên quan đến vấn đề hội nhập nên việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản, cam kết, điều ước này là rất cần thiết và là một phần nhiệm vụ đánh giá chung. Trong công tác rà soát cần phải có cái nhìn thống nhất, theo nguyên tắc, qui trình rõ ràng nhằm đảm bảo tính tổng thể. Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ và thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết này thì công tác rà soát, báo cáo kết quả rà soát đóng vai trò rất quan trọng trong việc chỉ ra những văn bản còn cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới”.