Đến 2010: 100% các huyện khó khăn có Chi nhánh TGPL

04/03/2008
Hơn 10 năm nay, kể từ khi ra đời, cả nước đã có 114 Chi nhánh TGPL và hàng ngàn các điểm, tổ, câu lạc bộ và hòm thư trợ giúp pháp lý (TGPL). Tuy nhiên, các mô hình này chỉ mang tính thí điểm, hoạt động không thống nhất. Luật TGPL ra đời và có hiệu lực (1/1/2007) với quy định rõ ràng về địa vị pháp lý cũng như chức năng quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi nhánh sẽ giúp quy hoạch và phát triển mạnh mẽ loại hình này, đặc biệt cho các huyện vùng sâu, nơi dân nghèo không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tư vấn pháp lý.

Mỗi nơi một kiểu

Dẫn đầu cả nước về số lượng chi nhánh TGPL hiện nay phải kể đến Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Đồng Nai ..(mỗi nơi trên 10 chi nhánh, riêng Hà Nội 19 chi nhánh). TP.Hồ Chí Minh, Sóc Trăng Lào Cai,…lại phát triển mạnh mô hình tổ TGPL, có những nơi lên tới hàng trăm tổ. Riêng Câu lạc bộ TGPL thì có ở 100% các địa phương, với nơi ít cũng là hàng chục CLB. Ngoài ra các điểm TGPL cũng phát triển tại khoảng 20 tỉnh, TP. Trong khi các Trung tâm TGPL đã được thành lập ở 64 tỉnh, TP nhưng chậm được kiện toàn về cả số lượng biên chế và cơ sở vật chất thì các mô hình TGPL nói trên là mạng lưới chủ yếu trong việc TGPL tại cơ sở. Chỉ thống kê từ 2003 đến hết 2007, trong 718738 vụ việc được TGPL thì riêng cộng tác viên đã chiếm 442225 vụ việc. Mạng lưới TGPL giúp cho người dân ở những vùng không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ pháp lý được hưởng quyền lợi mà Nhà nước dành cho họ, đó là được trợ giúp pháp lý miễn phí. Miễn phí ngay tại những nơi họ sinh sống mà không phải lặn lội lên tận tỉnh lỵ với chi phí ít ra cũng phải vài chục đến vài trăm ngàn - vấn đề không đơn giản với người nghèo.

Bà Tạ Thị Minh Lý – Cục trưởng Cục TGPL- Bộ Tư pháp cho biết: kể từ khi triển khai Luật TGPL, nhiều địa phương đã xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm và các Chi nhánh TGPL, tuy nhiên mỗi địa phương lại có một mô hình riêng với những hoạt động khác nhau. Nhìn chung việc kiện toàn tổ chức TGPL phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Thực tế đó dẫn đến sự không thống nhất trong việc triển khai thực hiện chính sách TGPL.

Nhiều vấn đề phát sinh khi kiện toàn bộ máy

Khó khăn nhất đối với các địa phương hiện nay khi tiến hành kiện toàn các Trung tâm và chi nhánh đó là vấn đề biên chế. Theo Luật TGPL mỗi chi nhánh tối thiểu phải có một trợ giúp viên pháp lý. Thực tế là hiện nay, các chi nhánh tồn tại và hoạt động đang nhờ vào lực lượng chủ yếu các cộng tác viên (là cán bộ Phòng Tư pháp, luật gia, thành viên các cơ quan quận, huyện…). Câu hỏi đặt ra là nếu không muốn dẹp bỏ các chi nhánh thì phải đáp ứng đúng theo yêu cầu của Luật TGPL. Vấn đề này đối với các địa phương là cực kỳ khó khăn (ví dụ Hà Nội có đến 19 chi nhánh tức phải bổ sung tối thiểu chừng đó biên chế). Đó là chưa kể muốn phát triển và tiếp tục mở rộng mạng lưới này. Năm 2007 mặc dù Bộ Tư pháp đã mở một số lớp bồi dưỡng (tiêu chuẩn bắt buộc để được cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý) nhưng con số chỉ như “muối bỏ bể” (hơn 200 người trong khi nhu cầu của các địa phương gấp hàng trăm lần như vậy). “Chúng ta khó ở chỗ hiện tại đã thiếu cán bộ, nếu chính quyền có cho bổ sung thêm biên chế thì đối với các tỉnh miền núi, việc tạo nguồn cũng khó khăn”. Một Giám đốc Trung tâm TGPL bày tỏ -  “Muốn vậy, thì mỗi địa phương cần dự kiến nguồn cử nhân Luật để sớm bắt tay việc tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng”.

Một vấn đề khác là cơ sở vật chất. Đối với các Trung tâm, hiện nay về cơ bản đã bố trí được trụ sở (chủ yếu chung với Sở Tư pháp), nhưng phương tiện hoạt động (nhất là các trang thiết bị cho việc đi trợ giúp lưu động) còn rất thiếu. Đặc biệt đối với các Chi nhánh, phần lớn đang ở nhờ Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn…và hầu như không có phương tiện để làm việc. Trong tương lai, muốn các Chi nhánh phát triển rộng khắp thì cần có nguồn tài chính đủ mạnh để giải quyết các vấn đề này.

Được biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng để trình Chính phủ Đề án về quy hoạch mạng lưới các Trung tâm và Chi nhánh TGPL giai đoạn từ nay đến năm 2015. Trong đó, mục tiêu phấn đấu tới 2015, 100% các huyện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số , miền núi, và 30% các huyện xa trung tâm tỉnh lỵ đều có Chi nhánh TGPL. Tuy nhiên, trong khi chờ Đề án này được phê duyệt thiết nghĩ việc cần làm ngay là nhanh chóng rà soát hệ thống các Chi nhánh, nếu chưa đủ tiêu chuẩn theo Luật TGPL thì cần tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới cộng tác viên để thành lập các Tổ, các điểm trợ giúp lưu động. Ngoài ra, cần quan tâm phát triển các CLB trợ giúp pháp lý như một mạng lưới chân rết hỗ trợ cho động của các tổ chức TGPL.

Bình An