Tăng mức xử phạt và tăng thẩm quyền xử phạt hành chính

02/03/2008
Mặc dù đã có hơn 70 Nghị định và hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành nhưng đến nay, quá trình thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đang gặp rất nhiều vướng mắc. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề là: “Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, tình hình vi phạm pháp luật cũng có những diễn biến phức tạp, do đó nhiều mức phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đã không còn phù hợp, không phát huy được hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính\".

Mở rộng lĩnh vực phạt tối đa 500 triệu đồng
 

            Hạn chế dễ nhìn thấy nhất là mức phạt tối đa 70 triệu đồng trong các lĩnh vực như xây dựng, bảo vệ môi trường, đất đai, sở hữu trí tuệ  là quá thấp, không đảm bảo tính răn đe. Thêm vào đó, quá trình thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong những năm qua đã bộc lộ một số bất cập về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, về chi phí để khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật như máy đo tốc độ phương tiện giao thông,  camera ghi hình phương tiện  giao thông vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ để thu thập chứng cứ, làm căn cứ xử phạt….
 

            Từ thực tế này, dự thảo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đề xuất quy định bổ sung hình thức phạt tiền đến 100.000 đồng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính. Về quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, dự thảo Pháp lệnh quy định sửa đổi mức phạt tiền tối đa  lên 500 triệu đồng đối với các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, đất đai, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, về nghiên cứu, thăm dò và khai thác nguồn lợi hải sản, lĩnh vực dầu khí và các loại khoáng sản khác. Các lĩnh vực khác cũng được nâng lên 100 triệu đồng nhằm nâng cao tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm.
 

            Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Pháp lệnh quy định nâng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện từ 20.000.000 đồng lên 30.000.000 để việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, khắc phục tình trạng vụ việc vi phạm hành chính phải chuyển lên cấp trên để xử phạt. Riêng đối với Chủ tịch UBND phường, quận các thành phố trực thuộc trung ương thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cao hơn, cụ thể: Chủ tịch UBND phường được xử phạt đến 5.000.000 đồng, Chủ tịch UBND quận được phạt đến 50.000.000 đồng để bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng chống vi phạm hành chính tại các đô thị lớn.
 

Quy định bổ sung việc tham gia của luật sư và trợ giúp viên pháp lý
 

            Bên cạnh việc mở rộng lĩnh vực có thể áp dụng mức phạt tối đa, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi đã bổ sung quy định về việc tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý khi xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trong các phiên họp của Hội đồng tư vấn xét duyệt áp dụng các biện pháp trên nhằm tạo điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị xem xét, áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
 

            Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi cũng bổ sung một số điều khoản như quy định bổ sung thẩm quyền phá dỡ một số loại công trình xây dựng trái phép cho Chủ tịch UBND cấp xã để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng lạm quyền của cấp cơ sở, dự thảo Pháp lệnh giao Chính phủ quy định cụ thể loại công trình xây dựng trái phép thuộc thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ của Chủ tịch UBND cấp xã. Tại khoản 13 của Điều 1 dự thảo Pháp lệnh quy định bổ sung “Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất” và Cục trưởng Cục quản lý xuất, nhập cảnh có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
 

            Tán thành với hầu hết các đề xuất của Chính phủ, các đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 1/3 tập trung thảo luận làm rõ thêm một số bất cập và hướng giải quyết những bất cập trong quá trình xử lý vi phạm hành chính ở nước ta hiện nay. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội hoan nghênh quy định về việc tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, ông Vượng đề nghị Chính phủ nói rõ cơ chế áp dụng sao cho có hiệu quả. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lại lo ngại việc mở rộng thẩm quyền xử phạt dễ dẫn đến lạm quyền. Ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị Thường vụ cứ mạnh dạn phân cấp, tăng thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND cấp xã được tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép vì đây thực sự là vấn đề bức xúc ở cơ sở hiện nay. “Trao quyền gắn với trách nhiệm cụ thể sẽ không sợ người ta lạm quyền.” – ông Tuyên khẳng định.
 

        Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với quan điểm sửa đổi của cơ quan soạn thảo đã bám sát những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể; tăng cường đấu tranh xử lý vi phạm hành chính triệt để, nghiêm minh với thủ tục chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng,  việc bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sớm thống nhất ý kiến, hoàn thiện dự thảo trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua.

Hồng Thuý

 

Người chưa thành niên vi phạm hành chính:
 

KHÔNG PHẠT TIỀN, KHÔNG ĐẢM BẢO TÍNH RĂN ĐE
 

            Trao đổi với phóng viên Báo chí bên hành lang phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nhiều quy định tại dự thảo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.  
 

            PV: Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị được nâng cao mức tiền phạt vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm trật tự an toàn giao thông. Lần sửa Pháp lệnh này có cho phép các thành phố lớn được áp dụng cơ chế riêng không, thưa Bộ trưởng?
 

            Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tại các thành phố lớn, khả năng chi trả của các đối tượng vi phạm cao hơn so với các khu vực khác. Hơn nữa, nhu cầu quản lý ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng phải chặt chẽ hơn. Do đó, Chính phủ cho rằng, tại các đô thị lớn thuộc Trung ương, cần nâng cao mức xử phạt vi phạm để đảm bảo tính răn đe. Chẳng hạn, mức xử phạt hành chính vi phạm ATGT ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể  tăng gấp hai lần so với các nơi khác.
 

            PV: Có ý kiến còn băn khoăn về quy định bổ sung hình phạt tiền đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi do trẻ em Việt Nam phần lớn chưa làm ra tiền. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
 

            Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, việc cảnh cáo, nhắc nhở, thông báo về địa phương, gia đình, trường học là rất quan trọng, nhưng nhiều khi không đảm bảo tính răn đe. Hiện nay, hiện tượng trẻ em bỏ học tham gia vận chuyển hàng hoá qua biên giới trái phép, trẻ em vi phạm trật tự an toàn giao thông, ném đá lên tàu, đốt pháo, đánh nhau gây rối trật tự công cộng ….không phải là ít. Do đó, theo tôi, việc bổ sung quy định hình thức phạt tiền đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính là cần thiết.
 

            PV: Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi quy định mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng, liệu đây có phải là mức phạt hơi cao, thưa Bộ trưởng?
 

            Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra, nói sửa Pháp lệnh lần này tăng mức tiền phạt lên thì không phải vì Điều 14 Pháp lệnh hiện hành cũng đã quy định mức phạt tối đa đến 500 triệu đồng rồi. Chỉ có điều trước đây phạt tối đa 500 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền quốc tế, thềm lục địa của Việt Nam nhằm nghiên cứu thăm dò khai thác nguồn lợi hải sản, dầu khí và các tài nguyên khác thì nay mở rộng ra trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, đất đai, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Như vậy, cái chính là lần sửa này mở rộng các lĩnh vực có thể áp dụng mức phạt tối đa, còn khung phạt như nào thì các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định rất cụ thể.
 

            PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Hồng Thuý (thực hiện)