Thành công của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương: Không thể thiếu vai trò chỉ đạo

13/05/2008
Sau 5 năm triển khai, có thể nói thành công lớn của Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật 2003 – 2007 (PBGDPL) là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí và tầm quan trọng của công tác này đối với đời sống. Đạt được kết quả đó, không thể thiếu vai trò chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền theo tinh thần coi trọng công tác PBGDPL - là một nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và mỗi địa phương, bằng sự sáng tạo của mình, đã làm cho tinh thần đó trở nên vô cùng thiết thực và hiệu quả.

Đăk Lăk – công việc thường xuyên, liên tục

Quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng, các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Đăk Lăk luôn xem việc chủ động thực hiện vai trò chỉ đạo triển khai Chương trình PBGDPL 2003 - 2007 là công việc thường xuyên, liên tục của mình. Cấp uỷ, chính quyền thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các ngành, các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện Chương trình, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã trực tiếp ban hành hơn 30 văn bản và chỉ đạo các ban, ngành ban hành hàng trăm văn bản nhằm triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh còn chủ động phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình liên ngành, liên tịch về trợ giúp pháp lý (TGPL), về tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đường bộ, về nâng cao hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật, về tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng (PTTTĐC)... 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện hơn 1.000 chuyên mục về tuyên truyền pháp luật; hàng tuần có chuyên mục phát thanh Tiếp chuyện bạn nghe đài, Hộp thư truyền hình, đảm bảo thời lượng phát sóng, chú trọng tăng thời lượng và nội dung tuyên truyền pháp luật bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số (Ê đê)... Ước tính có khoảng trên 80% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Hoạt động biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác PBGDPL được cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo thực hiện liên tục trong các năm qua. Ngoài Bản tin Tư pháp Đăk Lăk được phát hành thường kỳ mỗi tháng một số (3.500 cuốn), còn có 13 số Bản tin chuyên đề pháp luật về các lĩnh vực dân sự, đất đai, rừng, phòng chống tội phạm, giao thông (54.000 cuốn); hơn 10.000 bộ tài liệu và đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới; 13.320 cuốn Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ cấp xã, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên, Cẩm nang 100 tình huống pháp luật dành cho cán bộ cơ sở, Sổ tay Hỏi đáp pháp luật về an toàn giao thông, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; 946.200 tờ gấp tuyên truyền pháp luật được các ngành Tư pháp, Thuế, Hải quan, Kiểm lâm, Công an... phát hành (trong đó dịch sang tiếng Êđê 150.000 tờ). Bên cạnh đó, tỉnh đã biên soạn, thu và in sao 5.068 băng cassette, đĩa hình VCD tuyên truyền 14 chuyên đề pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân để cấp phát cho hệ thống loa, đài truyền thanh ở tỉnh, huyện, xã.

Hải Phòng – phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội

Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL được các cấp uỷ Đảng, chính quyền thành phố coi là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phục vụ tốt các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Ngay sau khi có Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư TƯ Đảng, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TU và một số đơn vị như Quận uỷ Ngô Quyền và Huyện uỷ Thuỷ Nguyên cũng ban hành Thông tư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Hàng năm, các cấp uỷ và chính quyền TP. Hải Phòng luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao việc ban hành các Kế hoạch, Chương trình để định hướng công tác tuyên truyền, PBGDPL. Kết hợp với Kế hoạch tuyên truyền chung, UBND các cấp còn tích cực tuyên truyền rộng rãi các văn bản pháp luật có đối tượng, phạm vi hoạt động rộng, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân như Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai năm 2003… và tổ chức các cuộc thi, hội  thi nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo cán bộ, nhân dân.

Công tác PBGDPL được cấp uỷ, chính quyền thành phố triển khai sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sinh động, mang lại hiệu quả cao. Hàng năm, thành phố, các huyện, quận, thị xã và các xã, phường, thị trấn tổ chức hàng nghìn hội nghị, lớp tập huấn triển khai, giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật mới ban hành đến tận cơ sở. Đặc biệt, thực hiện Dự án  “Nâng cao năng lực PBGDPL và công tác hoà giải cơ sở ở Hải Phòng” thuộc dự án VIE/02/015 được Bộ Tư pháp và UNDP phê duyệt, Sở Tư pháp thành phố đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn về nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và PBGDPL cho gần 2.500 cán bộ Tư pháp, hoà giải viên, báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật ở 218 phường, xã, thị trấn… Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, Hải Phòng đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn pháp luật, TGPL lưu động, hoà giải ở cơ sở góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Hải Phòng hiện có 14 Văn phòng và 4 Chi nhánh Văn phòng Luật sư, 4 Trung tâm tư vấn pháp luật, 1 Trung tâm TGPL Nhà nước với 9 Chi nhánh và 1.961 Tổ Hoà giải.

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, UBND thành phố rất chú trọng việc xây dựng, kiện toàn Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL (gọi tắt là HĐPH) các cấp, Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, Tổ viên Tổ Hoà giải, cán bộ pháp chế các Sở, ban, ngành. Đến nay, HĐPH thành phố, quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn đã được thành lập, kiện toàn tổ chức và hoạt động có hiệu quả. 110 Báo cáo viên pháp luật thành phố, 236 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.088 tuyên truyền viên pháp luật, 9.143 Tổ viên Tổ Hoà giải ở cơ sở… thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 Kiên Giang – huy động toàn bộ hệ thống chính trị

Trong những năm qua, công tác PBGDPL đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xác định là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với nhận thức trên, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát HĐPH tỉnh hướng dẫn các ngành, các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của ngành, cấp mình về tham gia tuyên truyền PBGDPL đến cơ sở từng xóm, ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ vậy, HĐPH được thành lập đều khắp ở các đơn vị hành chính cả 3 cấp, cấp tỉnh 22 thành viên, cấp huyện 300 thành viên, cấp xã trên 2.000 thành viên do Phó Chủ tịch thường trực UBND làm Chủ tịch HĐPH và ngành Tư pháp làm Phó Chủ tịch thường trực, có tổ thư ký giúp việc; Hội đồng hoạt động theo quy chế, luôn luôn được củng cố, bổ sung kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật có 336 đồng chí có trình độ đại học luật và đại học chuyên ngành khác; tuyên truyền viên pháp luật có trên 2.000 đồng chí có trình độ trung cấp luật và trung cấp chính trị đều có khả năng tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật; ngoài ra còn hàng vạn cộng tác viên tuyên truyền pháp luật: về thuế, trợ giúp pháp lý, thanh niên, phụ nữ, công đoàn, công an và gần 10.000 hoà giải viên ở cơ sở.

Bốn Đề án trong chương trình PBGDPL được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện, đã ký kết 11 kế hoạch liên ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có những nội dung pháp luật thực hiện 4 Đề án của Chương trình và thực hiện tốt Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Nghị quyết liên tịch số 01 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Hội Nông dân Việt Nam về PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và Quyết định số 212 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo ở các ngành, các cấp tổ chức thực hiện 4 đề án trong Chương trình.

Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức sử dụng đa dạng hình thức, biện pháp PBGDPL có hiệu quả như tổ chức Hội nghị triển khai trong cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở; lồng ghép trong các cuộc họp đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, xóm, ấp, khu phố; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; giáo dục pháp luật trong nhà trường; qua các phiên toà lưu động; trợ giúp pháp lý; qua sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ; tư vấn pháp luật; công tác tiếp dân; xây dựng khai thác tủ sách pháp luật; hoạt động hoà giải ở cơ sở… Từ đó, đã tác động đến ý thức đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, nâng cao ý thức học tập, tìm hiểu pháp luật để nắm vững các quy định của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Các tầng lớp nhân dân đã nâng cao được sự hiểu biết pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Vi phạm, tội phạm và khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng giảm, tội phạm hình sự năm 2005 giảm 3,9%, năm 2006 giảm 4,8%; tranh chấp, khiếu kiện của công dân năm 2005 giảm 7,6%, năm 2006 giảm 9,2%, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cẩm Vân