Tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về cấp PLLTP quy định tương đối chặt chẽ trình tự, thủ tục, thời hạn cấp, cơ quan cấp, cơ quan phối hợp… nên việc cấp cấp PLLTP tương đối thuận tiện, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc cấp PLLTP còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số quy định còn chưa rõ ràng cần điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn nữa.
Thứ nhất: Mặc dù quy định rất rõ trình tự, thủ tục, thời hạn cấp, cơ quan cấp, cơ quan phối hợp việc cấp PLLTP nhưng Thông tư 07 lại không quy định thời gian sử dụng hay nói cách khác là hiệu lực (giá trị) của PLLTP là bao nhiêu ngày. Việc không quy định thời gian có hiệu lực của PLLTP đã gây không ít khó khăn cho công dân do việc áp dụng hiệu lực của PLLTP một cách tuỳ tiện của các cơ quan yêu cầu cấp PLLTP. Ví dụ, làm thủ tục xuất cảnh định cư tại Hoà Kỳ ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ đóng tại thành phố Hồ Chí Minh thì giá trị của PLLTP là 6 tháng kể từ ngày cấp nếu quá thời hạn trên PLLTP sẽ không còn giá trị, một số cơ quan thì chỉ chấp nhận 3 tháng, 2 tháng… trong trường hợp này đương sự phải làm lại hồ sơ và phải khai lại từ đầu. Vậy đề nghị Bộ Tư pháp sớm quy định rõ thời hạn có hiệu lực của PLLTP, đồng thời ghi rõ chỉ xác minh từ thời điểm đã cấp PLLTP đến khi làm lại hồ sơ mới để tránh không quy định nên đương sự phải khai lại từ đầu tốn kém thời gian và bất hợp lý.
Thứ hai: Tại Thông tư 07 quy định: “Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp (mặt sau của Phiếu xác minh lý lịch tư pháp)”. Nếu quy định như vậy thì đương nhiên Công an tỉnh sẽ không lưu hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển sang, như vậy là trái với quy định về văn thư lưu trữ về lưu trữ hồ sơ công vụ, trong khi ở Sở Tư pháp đã có một bộ hồ sơ (đương sự nộp 2 bộ). Vậy đề nghị quy định “Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp bằng công văn ghi rõ đương sự có tiền án tiền sự hay không và lý do” có như vậy mới chặt chẽ, khoa học.
Thứ ba: Về thẩm quyền cấp PLLTP, theo Thông tư 07 là thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quy định như vậy có thể hiểu rằng trách nhiệm cấp PLLTP thuộc về Sở Tư pháp nếu cấp sai, không đúng quy định thì Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng trong trường hợp Công an tỉnh trả lại hồ sơ do quá thời hạn tra cứu, xác minh hoặc vì lý do khác mà Sở Tư pháp xác minh thấy chắc rằng đương sự không có tiền án thì vẫn không cấp được PLLTP do thiếu thủ tục (không có kết quả tra cứu của Công an tỉnh) - Đây là quy định “ngáng chân” Sở Tư pháp khi Sở Tư pháp không tự mình cấp được PLLTP cho đương sự mặc dù thẩm quyền đã được pháp luật quy định.
Thứ tư: Mặc dù có quy định: “Trong trường hợp đương sự có tiền án, nhưng đủ điều kiện để được đương nhiên xoá án tích hoặc được xoá án tích có điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự thì Sở Tư pháp hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xoá án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự” nhưng hầu như quy định này không được thực hiện do cơ quan công an không làm hết trách nhiệm khi gặp trường hợp có tình tiết nghi ngờ đương sự có án, nhưng chưa đủ căn cứ kết luận... khi trả hồ sơ cho Sở Tư pháp thường viết “trước đây đã từng bị tù hoặc viết: trước đây đã từng vượt biên trái phép..” mà không trả lời yêu cầu của Sở Tư pháp là đương sự có tiền án hay không? Thời gian bị truy cứu và chịu trách nhiệm hình sự là khi nào?... Do vậy, Sở Tư pháp không có cơ sở để liên hệ Toà án để tra cứu hồ sơ án lưu hoặc hướng dẫn đương sự làm thủ tục yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xoá án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự được./.
Vĩnh Linh