Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác PBGDPL cấp xã ở Bình Bịnh hiện nay!

18/02/2008
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt Hội đồng) của xã, phường, thị trấn là cấp triển khai gần nhất các quy định pháp luật đến từng người dân, qua đó hội đồng cũng nhận sự phản ảnh những vướng mắc trong việc thi hành luật của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của Hội đồng cấp xã ở Bình Định tuy có thành lập nhưng có những nơi chưa đi vào hoạt động, nếu có hoạt động cũng chỉ hình thức…:

Thực trạng:

Qua kết quả khảo sát, Bình Định có 159/159 xã, phường, thị trấn ở 11 huyện, thành phố đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với 1.813 thành viên. Mỗi Hội đồng cấp xã có từ 10 đến 15 thành viên, trong đó, chủ tịch hoặc phó chủ tịch cấp xã làm chủ tịch Hội đồng, công chức tư pháp-hộ tịch chuyên trách của xã làm Phó chủ tịch thường trực, và thành viên của Hội đồng gồm đại diện các ban, đoàn thể của cấp xã như: Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Công an, Tài chính, Đài truyền thanh của xã… và Ban tư pháp cấp xã làm cơ quan thường trực của Hội đồng.

Bình Định có 608 người được UBND xã, phường, thị trấn công nhận là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, trung bình mỗi xã có từ 7 đến 9 tuyên truyền viên pháp luật. Trong đó có trên 200 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đã có bằng trung cấp luật, cá biệt có trên 5 người có bằng cử nhân luật, số còn lại chủ yếu là những người am hiểu pháp luật và nhiệt tình với công tác xã hội. Ngoài ra, toàn tỉnh có 85 báo cáo viên tư tưởng, văn hoá cấp xã được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Ngoài việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng về giáo dục chính trị tư tưởng, đội ngũ này còn làm tốt công tác phổ biến các quy định pháp luật thiết thực đến từng đối tượng ở cơ sở. Bên cạnh đó, xã còn có lực lượng hoà giải viên, báo cáo viên pháp luật cấp huyện đứng chân địa bàn…

Về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp xã: Hội đồng cấp xã trong thời gian qua đã bám sát kế hoạch của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp trên và yêu cầu nhiệm vụ chính trị – kinh tế – xã hội của từng địa phương mà lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng. Đối với cán bộ, công chức và chính quyền cơ sở: Hầu hết hội đồng cấp xã tập trung phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã,  văn bản pháp luật liên quan đến việc thi hành các nhiệm vụ ở cấp xã, pháp luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho cán bộ, công chức của xã…Đối với học sinh ở các trường phổ thông: Bình Định có 54 giáo viên dạy môn pháp luật ở bậc phổ thông trung học, 109 dạy ở bậc phổ thông cơ sở. Nội dung phổ biến như Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, giáo dục dân số và kế hoạch hoá gia đình, pháp luật về phòng chống ma tuý, các tệ nạn xã hội… Đối với các tầng lớp nhân dân:Phổ biến là quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất, thuế nông nghiệp, các giao dịch dân sự trong đời sống hàng ngày…  Đối với ngư dân ở miền biển, nội dung phổ biến chủ yếu là quy định của pháp luật về trật tự giao thông đường thuỷ, pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái biển … Đối với dân tộc ít người ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa nội dung phổ biến chủ yếu là quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chính sách định canh, định cư, phát triển kinh tế mới, pháp luật về hộ tịch, xây dựng làng văn hoá, chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan v.v…Việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01: Tập trung tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật có liên quan đến thẩm quyền quản lý, các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân dân ở nông thôn và miền núi, cụ thể như: Nghị định 32/2002/NĐ-CP ngày 27-3-2002 quy định việc áp dụng Luật hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số; pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, hộ tịch, nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, đất đai, bảo vệ phát triển rừng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, chính sách định canh định cư, chính sách phát triển bản, làng văn hoá, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước làng, thôn,..

 Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được UBND cấp xã sử dụng thường xuyên, có hiệu quả như hình thức tuyên truyền miệng: Trung bình hàng năm ở mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức 7-10 hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho đối tượng là cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn. Thông qua việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật: Từ năm 1999, Bình Định đã xây dựng xong 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật. hiện nay ở  159 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bình Định không ngừng tăng cường số lượng trang bị đầu sách, báo, tài liệu pháp luật. Mỗi tủ sách pháp luật có trung bình từ 100 đến 150 đầu sách các loại. Thông qua Đài truyền thanh của xã: với chuyên mục “Pháp luật và đời sống”  phát trên sóng truyền thanh xã với thời lượng từ 5 đến 10 phút, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt Đài truyền thanh các xã thuộc 3 huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão hàng ngày có chương trình pháp luật phát bằng tiếng dân tộc ít người dành cho đồng bào Bana, Hre, Chăm sinh sống ở những vùng này. Thông qua các hội thi như Hội thi “Hoà giải viên giỏi”, cuộc thi tìm hiểu Bộ luật dân sự năm 2005, Hội thi “Hộ tịch viên giỏi”... Ngoài ra, nhiều xã còn tổ chức nhiều diễn đàn tìm hiểu pháp luật, như hội thi “Thanh niên với công tác phòng chống tệ nạn xã hội” , “Thanh niên với việc tìm hiểu pháp luật”, “tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh phổ thông trung học và cơ sở”Thông qua tuyên truyền cổ động: Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp xã còn tuyên truyền pháp luật dưới hình thức như panô, áp phích, tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn xã các vấn đề về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội …

Nhìn chung, Qua gần 10 năm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  theo cơ chế hội đồng ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập có 100% xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng cấp xã; đội ngũ cán bộ công chức tham gia làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng nhiều; công chức tư pháp-hộ tịch trở thành nồng cốt cho việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục cấp xã ở Bình Định chưa đồng bộ, sự quan tâm cấp uỷ chưa thường xuyên, nội dung phổ biến pháp luật vừa ít, vừa nghèo nàn; hình thức phổ biến chưa phong phú, mang tính phong trào; nhận thức cán bộ, công chức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng bộ…

Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã vừa yếu, vừa thiếu: Cụ thể trình độ văn hoá, trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật của công chức tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở. Một nguyên nhân nữa hiện nay, là các sinh viên ở các trường Luật ra trường không về làm việc tại các xã, nhất là các xã vùng khó khăn nên việc tìm nguồn cho công chức tư pháp-hộ tịch hiện nay ở Bình Định gặp nhiều khó khăn. Việc cấp phát tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy nhiều về số lượng, phong phú loại hình tài liệu pháp luật, và đa dạng về lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, nhu cầu về tài liệu pháp luật ở cơ sở hiện nay còn lớn, tài liệu mới chỉ dừng đến việc cấp phát đến cán bộ xã, các thôn, còn đến dân thì vẫn còn thiếu. Mặt khác, kinh phí dành mua sách pháp luật ở một số xã chưa có, thậm chí có nhiều xã còn thờ ơ với tài liệu nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật do các cấp phát về…Hiện nay, việc sách, tài liệu, báo pháp luật giá bán còn cao, việc vận chuyển đến sách báo pháp luật đến các xã chi phí quá cao, nên việc cung cấp những tài liệu cần thiết để phục cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các xã còn khó khăn…

Giải pháp:

Để tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

- Một là, bộ trí thêm biên chế và có chế độ chính sách ưu đãi đội cũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã: Một thực trạng hiện nay, công việc của công tư pháp cơ sở ngày càng nhiều, nhất là việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, cơ chế một cửa, và sự phân cấp một số lĩnh công tác tư pháp về cơ sở ( công tác hộ tịch, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án…); trong lúc cán bộ tư pháp chuyên trách hiện nay phải gánh trên vai  12 nhiệm vụ ( công tác quản lý và đăng ký hộ tịch; thống kê tư pháp; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cấp xã; công tác xây dựng hương ước; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác thi hành án; trợ giúp pháp lý; công tác tống đạt các giấy tờ của cơ quan thi hành án, của TAND các cấp; công tác hoà giải; quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; công tác chứng thực của UBND cấp xã…) nhưng hiện cấp xã chỉ có một công tư pháp chuyên trách, có nơi còn bố trí thêm một cán bộ hộ tịch, nhưng so với công việc được giao là quá tải so với khả năng của cán bộ tư pháp chuyên trách. Do vậy, tăng cường biên chế cán bộ tư pháp cấp xã là cần thiết,

Hai là, nâng cao nghiệp vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ: Xuất phát từ thực trạng về trình độ văn hoá, trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật của công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã ở Bình Định còn thấp. Do vậy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trang bị lý luận chính trị cho công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã là cần thiết. Không những đào tạo chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, mà các công chức này còn đòi hỏi đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thường thường xuyên, nhằm đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ba là, Nhà nước cần có chính sách trợ cấp, trợ giá trong việc cấp phát tài liệu, sách , báo pháp luật tận tủ sách pháp luật cấp xã. Chính phủ cần coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là chương trình mục tiêu để cấp phát kinh phí nhiều hơn nữa cho việc biên soạn tài liệu nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; đề cương phổ biến các văn bản luật, báo pháp luật để cấp phát miễn phí cho công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã làm cẩm nang tuyên truyền pháp luật.

Năm là, nâng cáo sự lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động: Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí không những kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ những vướng mắc từ cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng, mà còn là kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp các quy định pháp luật đến tận người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động trợ giúp pháp lý tận cơ sở, có một số nơi, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng ý nghĩa, vai trò công tác trợ giúp pháp lý nên chưa tích cực phối hợp thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Do vậy cần có biện pháp nâng cao nhận thức ý nghĩa, vai trò công tác trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ UBND cấp xã.

Năm là nâng cao năng lực cơ chế phối hợp hội đồng cấp xã và đội ngũ  tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên: ở cơ sở , hiện nay, chủ trương của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đang thực hiện phương châm “Hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở”, vì vậy cần củng cố và nâng cao cơ chế phối hợp trong việc tuyên truyền, nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc đưa pháp luật đến người dân, tuy nhiên về nghiệp vụ, sự am hiểu luật của đội ngũ này còn rất thấp, hơn nữa chế độ phụ cấp thường xuyên cho đội ngũ này chưa có (chỉ có bồi dưỡng theo đợt tuyên truyền theo Thông tư 63), mặc dù công việc của họ tốn nhiều công sức, thời gian, nên chăng cần có mức phụ cấp cho hoà giải viên, tuyên truyền viên pháp luật hằng tháng, tạo điều kiện để họ an tâm với công tác xã hội.

Sáu là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của đảng đối công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp xã: Cần quán triệt cán bộ, công chức cấp xã và các ban, đoàn thể của xã coi công tác phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân.

Nguyễn Huỳnh Huyện