Nhằm gỡ vướng trong thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp, trong đó có lĩnh vực thi hành án, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh- ông Nguyễn Đức Chính đã xây dựng Đề án “Thừa phát lại”. Đề án này được Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phê duyệt và giao cho Bộ Tư pháp chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Thừa phát lại”, TP Hồ Chí Minh là đơn vị được chọn thí điểm thực hiện.
*Bất cập từ thực tiễn...
Ví dụ thứ nhất: Hiện nay, việc tống đạt các quyết định và các giấy tờ có giá trị pháp lý khác của cơ quan tư pháp như quyết định của tòa án, quyết định của cơ quan thi hành án đến đương sự thường được thực hiện theo đường thư đảm bảo của bưu điện hoặc nhờ cán bộ tư pháp cấp xã giao cho đương sự. Thực tế cho thấy hiệu quả công tác này chưa cao, vừa ảnh hưởng đến chất lượng công tác của các cơ quan tư pháp vừa làm phương hại đến quyền lợi của đương sự. Đơn cử trường hợp TAND quận Đ. tống đạt quyết định kê biên tài sản để thi hành án cho đương sự Nguyễn Văn H. gửi qua UBND xã nơi đương sự H. đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ông H. lại không nhận được quyết định này dẫn đến hậu quả là đương sự không có mặt trong buổi cơ quan thi hành án xuống kê biên tài sản. Quyền lợi bị xâm hại nhưng ông H. cũng chẳng biết khiếu nại đến ai giải quyết. Cơ quan thi hành án thì cho rằng trong hồ sơ thể hiện có biên bản tống đạt có ký xác nhận của địa phương như vậy là tống đạt hợp lệ; xã thì cho rằng xã đã gửi tống đạt đến đương sự, việc đương sự nhận được hay không thì không thuộc trách nhiệm của xã. Có thể dẫn chứng được rất nhiều trường hợp tương tự như vậy ở tất cả mọi địa phương trong cả nước; những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa thì cán bộ tư pháp không có điều kiện chuyển giao tận tay đương sự nên rất dễ bị thất lạc, một số xã, phường đồng bằng thành thị thì tình trạng đương sự đăng ký hộ khẩu ở điạ phương này nhưng lại tạm trú ở địa phương khác nên nếu cán bộ tư pháp không tìm và giao tận tay đương sự thì việc thất lạc cũng là điều rất dễ xảy ra.
Ví dụ thứ hai: Một vấn đề gây bức xúc nhất ở các đô thị hiện nay là việc xây dựng làm ảnh hưởng đến các công trình liền kề, thông thường khi công dân có đơn yêu cầu địa phương đến lập biên bản, giải quyết tranh chấp thì chính quyền địa phương giao cho Ban Quản lý đô thị giải quyết. Nhưng thực tế, Ban Quản lý đô thị là cơ quan giải quyết các công việc chuyên môn khác chứ không phải là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề tranh chấp này nên nhiều trường hợp người dân cứ phải chờ đợi mà không biết lúc nào mới có cán bộ đến lập biên bản. Có trường hợp, khi chính quyền đến thì phía bên vi phạm đã kịp thời dọn sạch hiện trường, xóa dấu vết nên việc lập biên bản không thực hiện được cho dù hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra là có thật. Nhiều trường hợp, người dân tự lập biên bản với chữ ký của những người làm chứng và chụp ảnh hiện trường để làm bằng chứng kiện ra tòa nhưng vẫn e ngại rằng tòa án sẽ cho rằng những chứng cứ đó không đáng tin cậy.
*Vướng mắc có thể khắc phục
Xuất phát từ những bất cập trên cho thấy, việc chuyển giao, tống đạt các quyết định của cơ quan tư pháp là việc có tính pháp lý, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác của các cơ quan tư pháp và quyền lợi hợp pháp của công dân nhưng lại không được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tồn đọng án ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương. Thực tế, cơ quan Thi hành án TP Hồ Chí Minh đã khắc phục tình trạng này bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc ký hợp đồng với 60 thanh niên tình nguyện với số tiền 800 ngàn đồng/người/tháng để làm công việc là sắp xếp giấy tờ, tống đạt quyết định hỗ trợ chấp hành viên trong quá trình triển khai công tác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì thực tế các thanh niên tình uyện này vẫn không phải là đội ngũ có chuyên môn để làm nhiệm vụ chuyên trách này.
Vấn đề đặt ra là cần phải thành lập cơ quan chuyên môn “Thừa phát lại” với đội ngũ cán bộ chuyên trách để chuyên thực hiện hai chức năng chính là tống đạt các quyết định, văn bản có giá trị pháp lý của các cơ quan tư pháp và thực hiện việc lập ra các biên bản có giá trị pháp lý khác theo yêu cầu của công dân. Trường hợp đương sự không nhận được các giấy tờ văn bản trên, họ có quyền khiếu nại cơ quan thừa phát lại, có quyền không thi hành án hoặc không đến dự phiên tòa. Tương tự ví dụ về những trường hợp việc xây dựng làm ảnh hưởng đến công trình liền kề, nếu có cơ quan thừa phát lại, người dân chỉ việc có đơn yêu cầu và bỏ ra một khoản chi phí thì sẽ có cán bộ thừa phát lại đến lập biên bản để làm chứng cứ kiện ra tòa án, như vậy sẽ rất kịp thời và khách quan.
Đề án “Thừa phát lại” được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án và hỗ trợ cho cả người dân. Cơ quan “Thừa phát lại” sẽ giúp các cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách kịp thời, khách quan và ít tốn kém. Việc triển khai và thực hiện thí điểm Đề án “Thừa phát lại” trong lĩnh vực thi hành án tại TP Hồ Chí Minh chính là một tín hiệu vui, thể hiện việc xã hội hóa công tác thi hành án, xã hội hóa công tác tư pháp nói chung.
Quỳnh Lưu