Tư vấn pháp luật của các tổ chức Chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo các tầng lớp nhân dân đặc biệt là các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, căn cứ vào thực trạng, cũng như nhu cầu tư vấn pháp luật hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định số 65 về tổ chức, tư vấn pháp luật. Đó là những nhận định được lãnh đạo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và một số chuyên gia luật trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam.
Hơn 30 địa phương chưa thành lập Trung tâm
Ông Nguyễn Văn Thảo, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay cả nước có 60 Trung tâm tư vấn pháp luật và 27 chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật được đăng ký hoạt động tại 30 tỉnh, thành phố. Cũng theo ông Thảo, nhu cầu tư vấn pháp luật cho nhân dân ở hầu hết các tỉnh là rất lớn nhưng hơn 1/2 số địa phương trong cả nước vẫn chưa thành lập được Trung tâm tư vấn do gặp một số khó khăn nhất định. Ở những địa phương tuy chưa thành lập được Trung tâm tư vấn song đã có nhiều hình thức tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh và các đối tượng khác. Những hoạt động này được thực hiện khá thường xuyên và hiệu quả dưới hình thức các tổ chức trợ giúp pháp lý, trung tâm xúc tiến và giới thiệu việc làm, các câu lạc bộ pháp luật dành cho phụ nữ, thanh niên, nông dân được thành lập tại nhiều xã, phường… Thành viên của các tổ chức, người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc là đối tượng chủ yếu được tư vấn miễn phí và chiếm từ 70 đến 80% số lượng vụ việc tư vấn. Doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế cũng là đối tượng được tư vấn với xu hướng ngày càng tăng, chiếm khoảng 15% vụ việc. Ở một số địa phương tiêu biểu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tư vấn pháp luật đã phục vụ trung bình hàng năm từ 3.000 đến 4.000 lượt người yêu cầu.
Về chất lượng tư vấn, ông Thảo đánh giá hoạt động tư vấn của các tổ chức CT-XH, tổ chức XH-NN đạt hiệu quả khá tốt và đáp ứng được một phần yêu cầu của các đối tượng cần tư vấn. Vai trò của các Trung tâm này là rất cần thiết bởi đây là mô hình tư vấn pháp luật ít tốn kém hơn so với dịch vụ pháp lý của luật sư, có ý nghĩa xã hội rất lớn, chủ yếu là tư vấn miễn phí và phục vụ đông đảo cho các tầng lớp trong xã hội. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật lại có mối quan hệ khăng khít và hỗ trợ không nhỏ đối với công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải cơ sở. Thông qua công tác tư vấn và tuyên truyền pháp luật, các cán bộ tư vấn đã tạo nên cầu nối hữu hiệu giữa người dân và chính quyền, giúp chính quyền các cấp tháo gỡ và khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong nhân dân, góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương.
Cần quy định rõ ràng giữa tư vấn miễn phí và có thu phí
Bên cạnh những mặt đã đạt được như đã nêu trên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng sau gần 5 năm thi hành, một số quy định của Nghị định số 65 đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển của hoạt động tư vấn pháp luật hiện nay và thậm chí gây cản trở cho hoạt động này. Cụ thể là điều kiện thành lập trung Tâm tư vấn khá cao so với điều kiện thực tế ở nhiều địa phưuơng. Qua đối chiếu với một số mô hình khác (như tổ chức hành nghề luật sư, trợ giúp pháp lý…) cho thấy yêu cầu ít nhất phải có 3 tư vấn viên mới được thành lập Trung tâm là quá khắt khe so với thực trạng nguồn nhân lực ở địa phương. Do không đủ số lượng tư vấn viên nên nhiều tỉnh không thể thành lập được Trung tâm. Hơn nữa tiêu chuẩn đối với tư vấn viên và cộng tác viên phải có 3 năm công tác pháp luật sau khi tốt nghiệp, đã không thu hút được cử nhân luật mới ra trường trở về địa phương. Phạm vi hoạt động lại bị bó hẹp khi pháp luật chỉ cho phép các Trung tâm thực hiện công tác tư vấn, trong khi thực tế các tổ chức chủ quản vẫn phải cử tư vấn viên pháp luật tham gia việc đại diện, bào chữa cho thành viên của mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Quy định giới hạn giá trị hợp đồng từ 100 triệu trở xuống cũng là bất hợp lý và không thực tế trong các giao dịch hiện nay.
Đại diện của một số Trung tâm tư vấn pháp luật còn cho rằng quy định hiện hành chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa mô hình tư vấn pháp luật miễn phí và có thu phí nên chưa khuyến khích được việc thành lập Trung tâm. Ngoài ra một số quy định khác cũng cần được rà soát, bổ sung như trách nhiệm của tư vấn viên, chế độ tài chính và nghĩa vụ thuế…
Hoàng Thư