Giải quyết các hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài: Mỗi nơi một kiểu

18/01/2008
Mặc dù Nghị định 69/CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68/CP về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài đã tháo gỡ một số vấn đề về trình tự thủ tục trong việc đăng ký kết hôn, tuy nhiên có nhiều điểm trong Nghị định này chưa rõ ràng dẫn đến mỗi nơi một cách làm khác nhau.

Mất thời gian quá!

Hai giờ chiều, chúng tôi đến Sở Tư pháp TP. Hà Nội thì lúc này đã có 5 đôi nam nữ đang ngồi đợi cán bộ Sở phỏng vấn (một quy định mới của Nghị định số 69/CP nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng kết hôn để mua bán phụ nữ hoặc vì mục đích tư lợi). Anh Đinh Khắc Việt, thường trú tại Berlin – CHLB Đức, tâm sự: Tôi ở Đức về cuối tháng 12/2007, nộp hồ sơ ngày 30/12. Nhưng trước khi tôi về nước, gia đình 2 bên đã lo đủ các thủ tục hồ sơ, chỉ chờ tôi về hoàn thiện nốt. Chiều nay, hai chúng tôi đến đây phỏng vấn. Mọi việc ổn thỏa, tôi đã lấy giấy hẹn trả kết quả sau 30 ngày, cộng với thời gian CA xác minh phải thêm 20 ngày, tổng cộng là 50 ngày. Trong khi đó, cuối tháng 1 tới, tôi đã hết hạn phép và phải trở lại Đức. Để kết hôn được, tôi sẽ phải quay về Việt Nam trong vòng 3 tháng nữa. Không hiểu cải cách kiểu gì chứ tôi thấy mất thời gian và rất tốn kém!

Bà Trần Thị Nhàn (Ba Đình, Hà Nội) thì thắc mắc: Con gái tôi mang quốc tịch Hà Lan, hiện đang muốn kết hôn với một người đàn ông ở Hà Tây. Dịp Tết này, nó sẽ về nước. Tôi ra đây tìm hiểu trước xem hồ sơ phải làm những gì để thông tin cho nó mà chuẩn bị. Có điều, tôi thấy hồ sơ yêu cầu nhiều loại giấy tờ quá, đặc biệt, thời hạn giải quyết mất gần 2 tháng trời? Con tôi làm việc ở Hà Lan chứ không  phải buôn bán nên nó rất khó nghỉ lâu đến như vậy.

Đem phản ánh của người dân về thời hạn 50 ngày giải quyết hồ sơ là khá dài hỏi các cán bộ tư pháp, chúng tôi được chị Bùi Thị Thu – cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết: Mỗi ngày bộ phận “một cửa” tiếp nhận khoảng 4 – 5 bộ hồ sơ xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, ngày cao điểm, con số này có thể cao hơn một chút. Tuy nhiên, có nhiều công dân phải trở đi trở lại nhiều lần vì không hiểu hoặc không làm đúng các hướng dẫn về giấy tờ trong hồ sơ. Chúng tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn tất cả người dân về thủ tục, song khi đến làm hồ sơ mọi người cũng nên đọc các thông báo niêm yết công khai ở bộ phận “một cửa” để biết thêm các thủ tục, trình tự cũng như thời gian. Việc gì chưa rõ, công dân hãy hỏi trực tiếp cán bộ thì sẽ đỡ mất công đi lại, chi phí… Ông Nguyễn Văn Thơm – Trưởng phòng Nghiệp vụ hộ tịch Sở Tư pháp Hải Dương lại lý giải: Cái khó của cán bộ tư pháp bây giờ là sợ bị dân kêu gây phiền hà. Nhưng quả thật có một số trường hợp, chúng tôi vừa làm vừa run. Các bạn xem, có trường hợp đương sự xin được tới 4 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Chẳng hạn, chúng tôi yêu cầu xuất trình bản án ly hôn hoặc về nơi cư trú lấy Giấy xác nhận thì một số người bỏ luôn hồ sơ.

Cứ thẩm định cho ...chắc?

Tính riêng trong năm 2007, Sở Tư pháp Hà Nội đã giải quyết khoảng 400 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Quy trình giải quyết một việc đăng ký kết hôn của Hà Nội có thể tóm tắt như sau: đương sự nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở Tư pháp, sau đó cả hai bên nam, nữ phải có mặt để phỏng vấn. Hồ sơ sẽ được hoàn thiện để Sở Tư pháp chuyển xuống UBND cấp xã nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú niêm yết trong vòng 7 ngày. Tiếp đến hồ sơ sẽ được gửi qua cơ quan CA thẩm định, xác minh. Tiến hành xong các bước nói trên, Sở Tư pháp sẽ trình cho Chủ tịch UBNDTP. ký quyết định và trả kết quả cho đương sự.

Tuy nhiên, cũng là việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nhưng ở Hà Tây lại có cách giải quyết khác. Điển hình là, việc niêm yết ở xã phường và xác minh tại cơ quan công an được tiến hành đồng thời với nhau. Theo giải thích của ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp Hà Tây, cách làm này nhằm tiết kiệm thời gian cho các bên đương sự, thể hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian. Chỉ trong trường hợp hồ sơ "có vấn đề" thì cơ quan công an mới cần xác minh thêm trong vòng 20 ngày.

Tương tự, ông Thơm cho biết, mặc dù chỉ tiếp nhận hồ sơ 3 ngày/ tuần song năm 2007, Sở Tư pháp Hải Dương đã giải quyết xong 500 bộ và có hơn 50% được trả trong thời hạn 30 - 35 ngày. Số còn lại là do Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm định đối với những trường hợp xin đăng ký kết hôn lần thứ 3, thứ 4 hoặc độ tuổi chênh lệch của 2 bên đương sự quá lớn và chỉ có khoảng 20% thì Sở chuyển sang cho CA xác minh. Ông Thơm phấn khởi nói với chúng tôi: “Mới đây, Sở Tư pháp Hải Dương vừa tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn cho 3 đôi nam nữ mà hồ sơ được giải quyết gói gọn trong vòng 20 ngày”. Đã có trường hợp cần thiết (đương sự xuất trình vé máy bay), Sở này trả luôn hồ sơ chứ không cần đợi đúng lịch quy định. Đó là do cán bộ tư pháp phải linh động, phải vì dân thôi, ông Thơm kết luận.

Như vậy, trên thực tế, tính riêng trong quy định về việc gửi hồ sơ đến cơ quan công an thẩm định mỗi địa phương đã có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn việc thẩm định được tiến hành với tất cả các hồ sơ, không có ngoại lệ. Chỉ một số ít địa phương gửi thẩm định các hồ sơ trong trường hợp cơ quan tư pháp thấy nghi ngờ. Thực ra, vấn đề có hay không gửi thẩm định không do ngành tư pháp mà do UBND cấp tỉnh quyết định. Dường như cứ có thẩm định của cơ quan CA, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi ký các hồ sơ này cũng cảm thấy yên tâm hơn!? Theo quy định của Nghị định 69/CP hiện hành, chỉ trong những trường hợp cần thiết hoặc có nghi vấn hoặc khiếu nại, tố cáo thì Sở tư pháp mới cần xác minh, làm rõ. Còn trong trường hợp thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của CA thì Sở Tư pháp đề nghị CA xác minh.  Tuy nhiên, như thế nào là nghi vấn, là cần thiết, nội dung khiếu nại tố cáo nào cần xác minh, thẩm định thuộc thẩm quyền của cả ngành CA và Tư pháp, đến nay chưa có hướng dẫn. Cho nên, để an toàn nhiều địa phương đã chọn giải pháp 100% hồ sơ đều qua "cửa CA". Cách làm trên dễ dẫn đến hậu quả việc giải quyết hồ sơ một cách tuỳ tiện, kéo dài. Trong khi thực tế, công dân nước ngoài về Việt Nam thường rất hạn chế về mặt thời gian. Nếu hồ sơ không được giải quyết đúng hạn sẽ dẫn đến việc đương sự  "bỏ của chạy lấy người" bởi theo quy định, Lễ đăng ký kết hôn (bắt buộc phải có mặt cả hai bên nam nữ - PV) phải được tổ chức trong thời hạn 7 ngày từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng thì cũng phải tổ chức trong thời hạn không quá 90 ngày, nếu không sẽ phải làm lại thủ tục đăng ký từ đầu. Vì lý do đó mà thời gian qua, tại các Sở Tư pháp đã có khá nhiều trường hợp Giấy chứng nhận kết hôn bị huỷ do quá hạn về thời gian.

Cần hướng dẫn cụ thể

Về thủ tục thẩm định, xác minh đối với hồ sơ, các địa phương đề nghị cần có hướng dẫn rõ ràng những trường hợp nào là có nghi vấn, có "vấn đề", để đảm bảo đúng tiến độ về mặt thời gian, đặc biệt trong xu thế cải cách hành chính như giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, liên quan đến thẩm quyền ký Giấy chứng nhận kết hôn, một số địa phương cho rằng nên sửa đổi quy định theo hướng Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp ký. Bởi xuất phát từ thực tế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quá nhiều việc phải làm, trong nhiều trường hợp sẽ không ký đúng hạn.

Nghị định 69/CP cũng quy định cụ thể những trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, trong đó có việc lừa dối, cưỡng ép kết hôn. Tuy nhiên, để xác định mục đích thực sự của cuộc hôn nhân là rất khó, kể cả khi đã đưa vào quy định bắt buộc các bên đương sự phải trả lời phỏng vấn tại Sở Tư pháp hay quy định hai bên đương sự phải cùng biết một thứ tiếng… Do vậy, nhằm tránh những tiêu cực trong lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cần tăng cường kiểm tra thanh tra đối với các hoạt động này và có biện pháp xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Hoàng Thư – Thu Hằng