Tư pháp xã trở mình…vươn lên (tiếp theo)

26/09/2007

 Phần cuối: Vươn lên để tự khẳng định và vượt qua chính mình

Trong thời điểm hiện nay có lẽ không cần phải nói nhiều về những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, của xã hội bởi đó là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp. Nhưng để chia sẻ những khó khăn, bất cập về nhiều mặt, trong đó có cả về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kể cả những tác động của xã hội bởi áp lực thực tế của lĩnh vực nhạy cảm này, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề khác tuy không mới, song có lẽ đây mới chính là cái “nhấn”, điểm “gút” cần tháo gỡ. Trước hết, về mặt cơ chế chính sách, nhà nước đã xây dựng và ban hành rất nhiều văn bản, đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau tựu chung lại là “gỡ rối” cho cơ sở là chủ yếu, phần cơ bản còn lại chính là sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương đối với lĩnh vực này. Vậy vấn đề cơ bản là gì? Theo chúng tôi đó là các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức lại việc đầu tư trên tất cả các lĩnh vực từ cơ sở vật chất đến tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân đến việc tuân thủ chấp hành pháp luật cho tất cả các đối tượng.

Vấn đề đầu tiên là đầu tư cho giáo dục, tức là đầu tư cho tương lai, nhất là giáo dục cộng đồng ở từng khu dân cư, không những cho nhân dân mà ngay cả trong cán bộ, công chức, viên chức để tạo ý thức tuân thủ, chấp hành, bởi lẽ tất cả mọi người đều “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Thế nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức không chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật thì làm sao những người dân bình thường có thể noi theo mà học tập được. Nạn tham ô, hối lộ, tham nhũng, sách nhiễu… phần lớn đều xảy ra ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, mà đối tượng chủ yếu là những người có chức vụ quyền hạn (dù chỉ là các chức danh bình thường như cán bộ địa chính, thuế, quản lý thị trường…. cũng  vẫn có thể gây khó dễ, sách nhiễu cho công dân) chứ đâu phải là người dân bình thường. Qua tìm hiểu một số vụ việc công dân khiếu nại về giá đất đền bù giải toả khi nhà nước thu hồi đất để làm công trình công cộng, chúng tôi được biết vụ việc khiếu nại kéo dài là do một số cán bộ đã “bật đèn xanh” hoặc “bày vẽ” cho công dân (là người quen, hoặc người thân trong gia đình) không chấp nhận giá đã được niêm yết mà còn đòi hỏi nhiều vấn đề khác không chính đáng, vượt ra ngoài chế độ quy định của nhà nước, đã gây khó khăn cho các đơn vị, các doanh nghiệp, nhà thầu khi triển khai thực hiện dự án. Vậy thì đối tượng nào, ai là người không chấp hành pháp luật? Một khi cán bộ công chức, viên chức dù đang làm việc tại cơ quan, đơn vị hay về sinh hoạt ở nơi cư trú chấp hành pháp luật nghiêm thì sẽ có tác động mạnh đến cộng đồng dân cư. Hơn nữa trong cộng đồng khu dân cư, một bộ phận công chức đã nghỉ hưu về sinh sống cùng gia đình, nếu như được cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức học tập tuyên truyền, giáo dục và bản thân mỗi người có ý thức chấp hành tốt pháp luật cũng sẽ là một nguồn bổ sung cho công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật từng khu dân cư trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật. Và như vậy sự hiểu biết và chấp hành pháp luật ở khắp các khu dân cư sẽ được nâng lên. Tình trạng “đói” luật hoặc không hiểu biết pháp luật sẽ giảm thiểu rất nhiều. Điều đó sẽ làm giảm rất nhiều các vụ tranh chấp, khiếu kiện, nhờ sự hiểu biết, nắm vững pháp luật, chính sách của nhà nước và làm tốt công tác tuyên truyền, hoà giải ở từng khu dân cư.

Vấn đề thứ hai, đó là các cấp chính quyền cần phải nhận thức lại vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp trên đối với cấp dưới, nhất là trong việc xây dựng chính quyền cơ sở đủ mạnh cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là vần đề đào tạo đội ngũ cán bộ đương nhiệm và cán bộ dự nguồn cho từng chức danh, trên cơ sở đó có kế họach điều động, luân chuyển, nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ và sự năng động, sáng tạo cho đội ngũ này. Phải chấm dứt ngay tình trạng hàng năm cấp trên cứ ấn cho cơ sở một cục tiền (gọi là ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo ở cơ sở cho các xã vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn …, rồi các xã muốn làm gì thì làm, không có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, lâu dài gì cả) để rồi lúc thì không có tiền tổ chức mở lớp đào tạo, lúc thì dồn dập mở hết lớp này đến lớp khác, cán bộ, nhân dân không thể “tiêu hoá” nổi vì thời gian quá gấp, vì nội dung chương trình không phù hợp, vì nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở có hạn, nên việc nắm bắt nội dung không thể theo kịp v.v.… như vậy dù có đầu tư tiền tỷ, nhưng sự yếu kém, thiếu hụt, mất cân đối trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm cho việc đầu tư cho đội ngũ cán bộ cơ sở có mà vẫn như không. Và lẽ dĩ nhiên như vậy sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí tiền của nhà nước, lãng phí thời gian công sức của nhiều người mà không đạt được mục đích đề ra.

Vấn đề thứ ba là ý thức của công dân trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi chính nhân dân mới là người quyết định góp phần làm cho sự thành công hay thất bại một chủ trương, một chính sách của Đảng Nhà nước được thực thi có hiệu quả vào trong đời sống xã hội. Vì vậy công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những yếu tố không thể thiếu để đưa pháp luật vào cuộc sống. Và như vậy, với vai trò là người tham mưu giúp việc cho cấp uỷ chính quyền cơ sở, tư pháp xã, phường, thị trấn đóng vai trò điều phối giúp cho các hoạt động hàng ngày của chính quyền cơ sở. Việc nắm chắc tình hình ở từng lĩnh vực khác nhau trong công tác tư pháp như các quy định tại Thông tư tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương là điều cần thiết nhất đối với công chức tư pháp xã phường trong giai đoạn hiện nay. Việc cán bộ công chức tư pháp xã tiếp xúc, tìm hiểu cặn kẽ mọi vấn đề liên quan đến các khiếu kiện, tố cáo của công dân sẽ giúp cho chính quyền tháo gỡ những vướng mắc, thắc mắc, ách tắc trong việc giải quyết rạch ròi, đúng chính sách, pháp luật của nhà nước với những đòi hỏi về quyền lợi chính đáng của công dân. Bởi qua tìm hiểu các vụ khiếu nại trong tỉnh (từ cơ sở đến tỉnh) những năm qua cho thấy trên 70% số đơn khiếu nại có nội dung đúng hoặc đúng một phần, mà các sai sót này lại có cội nguồn từ việc giải quyết chưa thoả đáng từ cơ sở, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, nên họ tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn. Do vậy, nếu giải quyết “thấu lý, đạt tình” ngày từ cơ sở sẽ làm giảm bớt những khiếu nại vượt cấp.

Vấn đề thứ tư, từ những vấn đề có tính thời sự nóng bỏng đã nêu trên, là công chức tư pháp có lẽ ai cũng hiểu, cũng biết nên cần làm gì và bắt đầu từ đâu. Theo chúng tôi, ngoài vấn đề tạo nhận thức mới trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân đối với việc thực hiện pháp luật ở mọi lĩnh vực là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết là quan trọng; nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà vấn đề cốt lõi chính là sự tự vận động vươn lên của chính đội ngũ tư pháp. Sự tự vận động vươn lên của đội ngũ cán bộ tư pháp chính là việc phải tự điều chỉnh lại các quan niệm, nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ngành tư pháp cấp trên cũng cần có những nhận thức lại về vai trò, trách nhiệm của chính mình với đội ngũ tư pháp cấp dưới; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép các chương trình với các ngành liên quan như nông dân, phụ nữ, thanh niên, giáo dục, y tế… chính là điều kiện thuận lợi để tư pháp cấp tỉnh, huyện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Mặt khác, ngành tư pháp tỉnh thông qua các trường để liên kết tổ chức các lớp đào tạo hệ “vừa học vừa làm” cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã sẽ có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và năng lực cho tương lai. Được biết, hiện nay khi nhà nước phân cấp, giao thêm nhiều nhiệm vụ (kể cả một số chế độ, chính sách mới) cho ngành tư pháp, nên nhiều tỉnh, thành phố đã kiến nghị nhà nước xem xét bổ sung cho tư pháp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đủ biên chế để làm việc đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của công dân. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là tin vui phấn khởi để cán bộ ngành tư pháp địa phương yên tâm công tác và dần từng bước khắc phục các nhược điểm để vươn lên.

Để đội ngũ cán bộ tư pháp tự khẳng định và vượt qua chính bản thân mình vươn lên đảm nhận được những yêu cầu nhiệm vụ được giao, thì không thể chỉ có những câu khẩu hiệu hô hào nào là “quyết tâm”, “tích cực”, “nỗ  lực“, “cố gắng” v.v… như vậy thôi chưa đủ, mà phải bằng chính những việc làm cụ thể của tất cả cán bộ, công chức, không chỉ có đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Đó là việc ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ tư pháp. Đó là những văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đó là sự phối kết hợp trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể đối với đội ngũ cán bộ công chức, hội đoàn viên và nhân dân. Đó là hoạt động xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội đối với các hành vi vi phạm pháp luật (không phân biệt người vi phạm pháp luật là ai, ở địa vị nào). Đó là việc thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân và giải quyết thoả đáng, đúng chính sách, pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại tố cáo của công dân của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đó là sự tự phấn đấu vươn lên tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm trước công dân, tự vượt qua chính bản thân của từng cán bộ công chức tư pháp./.

                                                                                                     Minh Hoà