Tư pháp xã trở mình…vươn lên

10/09/2007
Từ những năm đầu thập kỷ 90 trở lại đây, khi Đảng, nhà nước chủ trương đẩy mạnh cuộc cải cách hành chính nhằm giảm thiểu những thủ tục hành chính gây phiền hà phức tạp cho các doanh nghiệp trong, ngòai nước và nhất là các quan hệ giao dịch giữa công dân với các cấp chính quyền. Quan trọng hơn trong chiến lược phát triển của mình, Đảng, nhà nước đã mạnh dạn phân cấp, giao trách nhiệm nhiều hơn, cụ thể hơn cho cấp dưới, đặc biệt là cấp cơ sở. Để có cái nhìn tổng thể về việc thực hiện các chủ trương này, trong phóng sự ghi chép này, chúng tôi xin phản ánh lại những công việc hàng ngày của riêng công chức lĩnh vực tư pháp xã, phường, thị trấn và những khó khăn, bất cập hiện nay của công chức tư pháp xã, phường, thị trấn trong thực thi các nhiệm vụ quan trọng này.

          Phần thứ nhất: Khái quát tình hình thực tế của tư pháp xã, phường, thị trấn – những vướng mắc cần tháo gỡ.

          Theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương thì công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện 16 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1.Trình UBND cấp xã ban hành các văn bản về công tác tư pháp ở địa phương; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh theo hướng dẫn của UBND dân cấp huyện và sự chỉ đạo của UBND cấp xã;

2. Giúp UBND cấp xã tự kiểm tra các Quyết định, Chỉ thị do UBND cấp xã ban hành;

3. Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn trình UBND cấp xã và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyện;

4. Giúp UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước;

5. Hướng dẫn hoạt động của các Tổ hòa giải; bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên Tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; trình Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải;

6. Thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật;

7. Trực tiếp quản lý việc khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tổ chức việc phối hợp khai thác, sử dụng, trao đổi giữa Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn với các tổ chức, đơn vị khác;

8. Giúp Chủ tịch UBNDcấp xã thực hiện việc đôn đốc thi hành án theo hướng dẫn của cơ quan thi hành án cấp huyện và thực hiện công tác hành chính - tài chính trong việc đôn đốc thi hành án;

9. Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương; thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật;

10. Giúp Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản và các việc khác theo quy định của pháp luật;

11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với UBND cấp xã và Phòng Tư pháp;

12. Giúp Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chứng thực bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP

13. Giúp Chủ tịch UBND cấp xã chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất theo Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND cấp xã giao.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với số công chức tư pháp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt tư pháp xã) chúng tôi mới phần nào thấy hết những khó khăn, những bất cập mà công chức tư pháp xã đang giồng mình đảm nhận.

Trước hết nói về tổ chức, biên chế: tỉnh Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố (gồm 6 huyện đồng bằng, 7 huyện miền núi, hải đảo và 1 thành phố), toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn (gồm 114 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện đồng bằng, thành phố và 66 xã thuộc các huyện miền núi hải đảo; trong có 43 xã thuộc diện  Chương trình 135). Việc tất cả các xã, phường, thị trấn đều được bố trí 1 biên chế công chức tư pháp - hộ tịch (riêng các phường ở thành phố Quảng Ngãi được bố trí 2 biên chế) là một nỗ lực lớn của chính quyền các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế hiện tại của các địa phương. Công chức tư pháp – hộ tịch dù đã có quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể, để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, công chức tư pháp - hộ tịch phải hết sức nỗ lực, sắp xếp công việc khoa học và hợp lý; nhưng để được thực sự làm nhiệm vụ chuyên môn của mình cho đúng nghĩa cũng rất khó, vì biên chế của xã có hạn và đầu công việc lại rất nhiều (quản lý ngành dọc, cấp trên chỉ đạo, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ…) hiện nay ở từng địa phương, nên thông thường cán bộ tư pháp - hộ tịch luôn được Đảng uỷ xã, HĐND, UBND trưng dụng tham gia các đoàn công tác lúc thì kiểm tra, lúc thì thanh tra, lúc thì tổ chức hội họp, đón tiếp khách v.v và v.v. Vì thế, thời gian làm việc trong tuần vốn đã ít (từ thứ hai đến thứ sáu – có nơi chỉ làm việc vào các buổi sáng trong tuần), nay gánh thêm các công việc được “giao thêm” làm cho thời gian giải quyết các quan hệ giao dịch với công dân dần bị eo hẹp lại, từ đó làm cho công dân phải chờ trực, mất thời gian đi lại nhiều lần.

Thứ hai về trình độ chuyên môn: do nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết cấp bách của các địa phương về công tác tư pháp, nên ngày từ những năm 90, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh cho chủ trương để sở phối hợp Trường đại học Luật tổ chức được hai lớp trung cấp luật cho trên 200 học viên là số cán bộ trong dự nguồn của cấp xã, phường, thị trấn. Số học viên này, sau khi được đào tạo bài bản ra trường đều được bố trí về làm việc tại các xã, phường, thị trấn và đã giải quyết một bước cơ bản về nhân sự, góp phần làm cho công tác tư pháp xã, phường, thị trấn đi dần vào ổn định (100% xã, phường, thị trấn có trung cấp luật). Tuy nhiên, qua các kỳ đại hội Đảng các cấp, các kỳ bầu cử HĐND, một số công chức tư pháp đã trưởng thành đảm nhận những chức vụ cao hơn như trúng cử đại biểu HĐND, đảm nhận cương vị chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; tham gia cấp uỷ đảm nhận cương vị bí thư, phó bí thư, thường trực đảng…., do vậy đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hiện nay đang thiếu trầm trọng (hơn 50% số xã không có trung cấp luật), yếu về chuyên môn, chất lượng công chức tư pháp xã so với yêu cầu hiện tại và tương lai chưa đáp ứng được và là một trong nỗi lo không những của cấp uỷ chính quyền cơ sở mà ngay cả ngành chủ quản cấp trên là Sở Tư pháp.

Thứ ba về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc: cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của công chức tư pháp xã hầu hết ở các địa phương trong tỉnh hiện nay là tạm bợ, chắp vá. Chúng tôi đã đến rất xã và đều cảm nhận nếu với điều kiện làm việc như thể này thì không thể làm tốt được, bởi phòng làm việc của công chức tư pháp xã được bố trí chung với 2 – 3 bộ phận khác (có nơi bố trí tư pháp – xã đội – công an; có nơi bố trí tư pháp – văn phòng – tài nguyên môi trường…). Do vậy khi quan hệ giao dịch với tổ chức, công dân sẽ không tránh khỏi những phiền phức cho các đối tượng khác, hoặc chất lượng công việc sẽ không thể như mong muốn. Về trang thiết bị cho công tác tư pháp cũng hết sức giản đơn, hầu hết ở các xã, tư pháp được bố trí 1 tủ, 1 bàn làm việc (có nơi nói là ban, tủ nhưng chất lượng thì quá đát, có khoá cũng như không). Một số nơi tuy đã trang bị máy vi tính, nhưng thực chất chỉ có văn phòng sử dụng vào việc đánh máy là chủ yếu, còn việc thao tác các nghiệp vụ chuyên môn khác hầu như chưa có gì (đây là điểm yếu kém nhất hiện nay của công tác tư pháp xã - nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì những ứng dụng về khoa học công nghệ trong lĩnh vực tư pháp sẽ không được triển khai đến tận cơ sở. Và tất yếu lĩnh vực tư pháp xã sẽ không theo kịp những tiến triển của công nghệ thông trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như nhiện nay).

Thứ tư về chế độ chính sách đối với tư pháp xã: Từ năm 2005 trở lại đây, khi nhà nước xác định công chức tư pháp là một trong chức danh cứng có biên chế và hưởng các chế độ chính sách như công chức nhà nước, đã phần nào giải toả tâm lý cho những người làm công tác tư pháp xã lâu nay. Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước giao đòi hỏi công chức tư pháp xã phải đầu tư nhiều thời gian công sức vào đây hơn, song với mức lương hiện nay thì không đủ trang trải cho cuộc sống bình thường (qua tìm hiểu chúng tôi được biết bình quân lương của công chức tư pháp xã khoảng 450.000 – 460.000đ/tháng) chưa trừ các khoản đóng bảo hiểm và các khoản đóng góp khác. Vì thế tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” để lo cho cuộc sống bình thường hàng ngày của công chức tư pháp xã ở các địa phương là không thể tránh khỏi. Cũng không loại trừ trường hợp “làm tạm” ở tư pháp xã để lo tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn ở nơi khác và sẵn sàng ra đi khi có điều kiện. Với những chế độ chính sách hiện hành đối với tư pháp xã sẽ khó có thể tạo được đội ngũ cán bộ có tâm huyết, tận tâm, tận lực với công việc.

            Phần thứ hai: Những vướng mắc cần tháo gỡ.

 

Thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm, đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được củng cố, kiện toàn, từng bước giúp chính quyền cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tuy nhiên, trong thực tế đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhưng chức danh tư pháp - hộ tịch chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn chưa thật ổn định, hay có sự xáo trộn, nhất là sau các kỳ đại hội đảng hoặc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân; có trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch làm được việc thì được lãnh đạo bố trí làm công việc khác không phù hợp với chuyên môn, anh em có kiến nghị bố trí cho phù hợp nhưng được động viên “cứ làm rồi sẽ biết”.

Tâm sự với chúng tôi, anh Khởi, xã Long Hiệp, huyện Minh Long cho biết khi làm công tác tư pháp - hộ tịch xã anh được bà con trong xã rất tin tưởng bởi anh luôn hướng dẫn, giải thích cho bà con những hiểu qui định của nhà nước về chủ trương, pháp luật, những việc được làm và những việc bà con còn vướng mắc. Đến đại hội đảng bộ xã được tín nhiệm bầu vào cấp uỷ và được phân công làm công tác xã đội (một lĩnh vực chưa bao giờ được học, được biết) cho nên rất khó làm việc, không phát huy được năng lực và khả năng của mình, nhiều lần anh đề nghị cấp uỷ, chính quyền xem xét phân công lại cho phù hợp chuyên môn, nhưng vẫn chỉ nhận được lời động viên của lãnh đạo xã, vì phục tùng tổ chức anh vẫn làm việc nhưng chưa thật sự an tâm ở lĩnh vực công tác mới này.

 Trường hợp khác anh Bình, công chức tư pháp một xã ở huyện Nghĩa Hành hoạt động công tác tư pháp - hộ tịch rất tốt, lãnh đạo xã thấy anh năng nổ, làm được nhiều việc nên phân công làm công tác địa chính, anh nhiều lần đề nghị lãnh đạo xã bố trí đúng vị trí, năng lực chuyên môn cho phù hợp mới phát huy được, nhưng lãnh dạo xã cũng chỉ động viên anh trong vai trò công việc mới, tuy vẫn chấp hành nghiêm túc, nhưng anh cũng chưa thật sự an tâm bởi lĩnh vực địa chính hoàn toàn lạ lẫm đối với anh còn riêng anh thì chẳng có chuyên mồn gì về lĩnh vực này cả.

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, nơi nào cấp uỷ chính quyền địa phương có nhận thức và đánh giá đúng vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác tư pháp với yêu cầu đòi hỏi của xã hội về công tác này thì bằng mọi cách bố trí ngay nhân sự và tạo điều kiện thuận lợi để công chức tư pháp - hộ tịch hoạt động đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Ngược lại nơi nào thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương thì giao chức danh tư pháp - hộ tịch kiêm thêm một số công việc khác, do vậy đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, hiệu quả, chất lượng hoạt động của công tác tư pháp trên địa bàn. Bên cạnh đó ở một số xã khi bố trí nhân sự cho chức danh tư pháp đã đưa con em hoặc người thân vào mặc dù nhân sự cho chức danh này chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về chuyên môn pháp luật, nên khi làm việc với công dân đã nảy sinh nhiều bất cập, đôi khi không đáp ứng yêu cầu, dù chỉ là những thao tác nghiệp vụ giản đơn.

Tiếp xúc với, anh Giằng, tư pháp - hộ tịch xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, chúng tôi được biết tuy trình độ văn hoá có hạn, nhưng sự hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc Cor, Cà Dong ở các xã miền núi hiện nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể như: bà con đã hiểu thế nào là nam nữ đủ tuổi kết hôn, muốn kết hôn phải đi đăng ký như thế nào; khi sinh con phải đến UBND xã làm thủ tục đăng ký khai sinh, rồi quyền lợi nghĩa vụ của công dân trong việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác đất rừng…. Nhất là khi mà nhà nước quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật, thì đòi hỏi công chức tư pháp - hộ tịch xã cũng phải tự mình học hỏi nâng cao nhận thức thì mới đáp ứng đòi hỏi của công dân. Công dân luôn tìm hiểu, nắm và quan tâm chính sách, pháp luật của nhà nước dữ lắm, nhu cầu này đang dần trở thành “cơm ăn, nước uống, không khí để thở” hàng ngày. Bà con chưa hiểu việc gì, chuyện gì là đến đòi hỏi cán bộ tư pháp phải nói cho rõ, giải thích cặn kẽ cuội nguồn, nghe thấu tai mới chịu, và khi đã nghe ra, nắm, hiểu, chịu thì làm răm rắp. Anh cho biết cái khó nhất hiện nay là các thôn, bản ở rải rác, cách xa nhau nên việc tổ chức phổ biến chính sách, pháp luật cho bà con gặp nhiều trở ngại, nếu đi từng nơi thì không có đủ thời gian. Đi cơ sở nhiều thì bỏ trực giải quyết tại công việc hàng ngày ở xã, không đến thì bà con không nắm, biết chính sách pháp luật của nhà nước. Mà công chức tư pháp - hộ tịch xã lương thấp lắm, nếu không làm thêm ruộng lúa, rẫy thì chẳng biết lấy gì mà ăn (thông thường thì các xã miền núi chỉ làm việc một buổi, còn một buổi ở nhà đi làm ruộng, trồng mía, trồng khoai lang, mì, cây công nghiệp…), đã vậy mà cuộc sống còn nhiều vất vả khó khăn lắm, năm nào thời tiết “mưa thuận gió hoà”, giá cả thị trường bình ổn, hoặc gia đình không ai ốm đau… thì còn đỡ vất vả; chứ gặp năm thời tiết bất thường mưa gió, lụt bão vài ba trận liên tiếp mất mùa là cái chắc, hay thị trường giá cả đắt đỏ, leo thang thì lại càng cực nhọc hơn. Vẫn biết là vậy nhưng không làm thì biết lấy gì mà nuôi sống gia đình, con cái học hành.

Các chính sách, chế độ đối với công chức xã tuy đã được điều chỉnh, cải tiến nhiều, nhưng so với công việc phải đảm nhiệm và những khó khăn hàng ngày mà công chức xã phải đối mặt, phải chịu trách nhiệm thì còn nhiều việc phải làm, phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Nhất là hin nay nhà nước ngày càng phân cấp nhiều công việc cho tư pháp xã ngoài các nhiệm vụ như Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 đã nêu trên nay lại được phân cấp thêm một số nhiệm vụ như: Đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định 158/2005/NĐ-CP); cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (Nghị định số 79/2007/NĐ-CP); việc thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất (Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường) … thế nhưng phần lớn cấp xã (trừ các phường thuộc thành phố Quảng Ngãi) hiện nay chỉ có 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách, nên công việc trước đây đã gặp nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn gấp bội. Sự ùn tắc, chồng chéo công việc trong quan hệ hàng ngày với công dân, gây phiền hà, ách tắc là điều không thể tránh khỏi. Chỉ tính riêng việc chứng thực trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 01 tháng 7,  khi giao việc chứng thực cho cấp xã), thì lượng khách hàng đến giao dịch tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi hơn một nghìn lượt người, gấp hàng trăm lần so trước tháng 7/2007 (trước đây chỉ vài chục lượt người). Vì vậy, UBND phường phải hợp đồng thêm người để vừa bảo đảm giải quyết công việc đối với khách hàng, vừa bảo đảm các nhiệm vụ khác của lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.

Phần thứ ba: Những trăn trở của đội ngũ tư pháp - hộ tịch xã

Tuy nhiên, việc tăng thêm hợp đồng cũng chỉ là việc tức thời, anh Dũng, công chức tư pháp phường cho chúng tôi biết, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì tư pháp xã, phường chúng tôi hầu như dồn hết thời gian, nhân lực cho công tác chứng thực bản sao, vậy mà công việc cũng không vơi đi là bao, ngày nào cũng phải làm thêm đến 6 rưỡi - bảy giờ tối mới về nhà. Ngoài ra nếu ngày nào có họp hành hay tham gia các đoàn công tác đi giải quyết đền bù giải toả, hoặc tham gia hoạt động ngoài khu vực UBND phường … thì coi như bó tay, công việc ùn lên, không giải quyết kịp thời cho bà con để bà con chờ đợi lâu phiền phức lắm. Những lúc như thế chúng tôi chỉ biết kêu trời, mong bà con thông cảm vì việc nào cũng cần giải quyết ngay như giải quyết tranh chấp đất đai, họp hoà giải, tham gia công tác thi hành án dân sự dưới 500.000đ, công tác hộ tịch, khai sinh, khai tử…. đâu có muối để đó được. Tuy đã được UBND phường cho phép hợp đồng công việc đối với lĩnh vực này nhưng cũng gặp nhiều trắc trở, bởi ai cũng muốn có công việc ổn định lâu dài, không ai muốn hàng quí lại cứ thấp thỏm chờ xem có được ký hợp đồng tiếp nữa không (điều này trái với Luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội - bởi người sử dụng lao động chỉ được ký hợp đồng có thời hạn tối đa không quá hai lần đối với người lao động). Và một vấn đề tế nhị không kém mà ít ai dám nói ra, bởi những công việc liên quan tư pháp thường đụng chạm đến quyền lợi vật chất, kinh tế của bà con, dễ gây mất lòng, phiền phức lắm, ngày nào mà chẳng chạm mặt nhau, mình làm căng về nhà gặp bà con hàng xóm láng giềng khó ăn khó ở với nhau lắm, vẫn biết đấy là công việc nhà nước giao, nhưng cái tình cái nghĩa của người Việt mình còn nặng nợ lắm. Nhất là việc thực hiện các vụ việc thi hành án dân sự dưới 500.000đ thì vô cùng nhiễu khê; bà con mình thì rất nghèo, mà bản án thì đã có hiệu lực thi hành, các thủ tục để thực hiện đã có đầy đủ, nhưng đương sự thì chẳng biết lấy gì để thi hành án. Chẳng lẽ đến nhà tìm xem trong thùng còn lon gạo, củ khoa nào thì kê biên để thi hành à, ai lại đi làm như thế - trời đánh còn tránh miếng ăn nữa là, nên các vụ việc này thường động viên các bên là chủ yếu, cốt giữ cho tình làng nghĩa xóm được bền chặt, trong ấm ngoài êm.

Ngoài các áp lực công việc như trên đã nêu, công chức tư pháp xã vẫn còn những áp lực khác, trong mười mấy nhiệm vụ được giao ấy, mỗi vị lãnh đạo UBND lại phụ trách một mảng, mà tư pháp xã thì chỉ có một, làm việc theo chỉ đạo của lãnh đạo này thì bỏ công việc của lãnh đạo kia phụ trách. 15 -16 đầu việc hàng ngày phải làm giành cho một biên chế thì chỉ có thánh mới xoay cho kịp chứ nói chi con người. Ấy vậy mà người ta cứ đánh giá nào là công chức tư pháp xã phường không đủ năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nào là trình độ không theo kịp công việc thực tiễn v.v….

Vâng, đúng là so với yêu cầu công việc thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp hộ tịch xã làm không hết việc, chất lượng công việc chưa đáp ứng xu thế phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tuy vây, tôi cũng đã dành vài ngày làm việc cùng anh em tư pháp xã, thử sức xem như thế nào. Xin thưa, chóng mặt, hoa cả mắt lên chứ đừng nói là giải quyết công việc đâu đó như anh em đang làm, có sức voi cũng phải quị nữa là con người, anh em tài chịu đựng thật. Đang tiếp công dân giải quyết hồ sơ xin xác nhận quyền sử dụng đất để đi thế chấp vay ngân hàng về sản xuất, lãnh đạo gọi bảo mang cho cái báo cáo này, công văn nọ, lại phải xin lỗi khách hàng, nháo nhào chạy cho kịp việc nếu không lại bị la rầy nữa chứ. Đến khi xong việc quay về làm việc với khách lại phải hướng dẫn, giải thích lại từ đầu, vừa mất thời gian vừa mệt. Giải quyết việc này chưa xong, người khác đã xen vào cứ như con quay- gặp khách quen, hiểu biết công việc và thông cảm còn đỡ, chứ gặp phải người nóng tính, khó chịu hay bắt bẻ phải trái, thì lại bị coi là “cửa quyền, hách dịch...”, làm dâu trăm họ mà. Có khi đang làm việc này, lãnh đạo lại cử đi tham gia cùng đoàn công tác nọ - từ chối à – không xong đâu nhé, không đi sao được - mệnh lệnh đấy – thôi dẹp lại công việc đó để khi khác làm,  thi hành nhiệm vụ đã. Nhìn anh em làm việc thấy tội tội, thương quá là thương, suốt ngày chỉ lo chạy mới xong chứ đi thì làm sao kịp - vậy mà còn bị trách móc lời ra, tiếng vào ì xèo cả đấy. Có trường hợp vị lãnh đạo xã nọ bảo cán bộ tư pháp xã làm giấy đăng ký kết hôn cho “cháu gái”, nhưng anh cán bộ tư pháp xã khi tiếp nhận thủ tục phát hiện “cô cháu gái” kia chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật để đăng ký kết hôn nên kiên quyết không làm thủ tục thì bị cảnh báo “lơ tơ mơ là cho thôi việc để người khác làm đấy” – nghe mà sợ phát khiếp lên được.

Có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với anh em làm công tác tư pháp các xã, phường, thị trấn chúng tôi muốn chia sẻ những khó khăn, những thách thức, áp lực công việc, dư luận xã hội… hàng ngày mà các anh phải gánh chịu, nhất là những đòi hỏi khách quan và yêu cấu thực tiễn của xã hội. Vì vậy trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ tư pháp hộ tịch khi thực hiện nhiệm vụ phải có sự phấn đấu trên tất cả các mặt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức và công dân khi đến giao dịch với chính quyền. Tất nhiên trong mỗi con người ai cũng muốn mình được mọi người nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực thực sự của mình, thì dù vất vả, gian khó mấy cũng phấn đấu, dẹp bỏ mọi định kiến, mọi rào cản trở để vượt qua. Anh Hải cán bộ tư pháp hộ tịch thị trấn Sông Vệ cho biết gần 20 năm gắn bó với công tác này (từ khi còn là xã Nghĩa Phương, sau này tách một số thôn thành xã Nghĩa Phương và thị trấn Sông Vệ), anh thuộc hoàn cảnh từng hộ gia đình, đất đai nhà ai có bao nhiêu ở khu vực nào, chuyển đổi như thế nào, các tranh chấp ra sao v.v… chỉ cần hỏi tên gia đình, tổ thôn có khiếu kiện, tranh chấp vấn đề gì là anh kể vanh vách như trong gia đình mình, điều đó đã giúp các cấp chính quyền các hội đoàn thể thực hiện tốt công tác hoà giải ngay tại cơ sở (Sông Vệ là nơi có tỉ lệ hòa giải thành cao nhất toàn tỉnh trong nhiều năm gần đây). Thế nhưng chế độ chính sách cho những người làm công tác hoà giải ở cơ sở hiện nay vẫn chưa có gì tiến triển cả mặc dù đã có Thông tư 63 của Bộ Tài chính, nhưng còn nằm ở đâu đâu ấy, chưa tháo gỡ được, nên những người làm công tác hoà giải ở cơ sở vẫn “ăn cơm nhà – vác tù và hàng … xã” vậy thôi.

Anh Đức, tâm sự, những người làm công tác tư pháp hộ tịch xã phường thị trấn như chúng tôi chỉ mong được xã hội quan tâm, đánh giá, phản ánh trung thực, khách quan những cái chúng tôi làm được, những việc làm chưa tốt, chứ đừng vơ đũa cả nắm, nhét cho chúng tôi một đống công việc (đấy phân cấp cho cơ sở tự giải quyết một mình thật sướng nhé - mọi việc đều từ cơ sở làm lên còn kêu ca đồi hỏi gì nữa) mà chẳng quan tâm gì đến điều kiện, môi trường làm việc thì làm sao có chất lượng giải quyết công việc cho tốt được. Nhà nước cần có các quy định cụ thể về chế độ chính sách tiền lương, tiền công đảm bảo các nhu cầu tối thiểu (đủ nuôi bản thân mình và nuôi con), chế độ trách nhiệm, phụ cấp cho đối tượng này thì mới an tâm công tác tận tâm, tận lực với công việc được. Mặt khác, trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nhà nước cần nghiên cứu giảm thiểu những giấy tờ không thật cần thiết để tránh lãng phí vừa tránh gây những phiền phức cho các tổ chức và công dân như thủ tục trong cấp giấy phép sản xuất kinh doanh, đất đai, xây dựng, tuyển dụng, mua bán, thế chấp, hợp đồng, chuyển nhượng v.v…. để giảm bớt những giấy tờ công chứng, chứng thực không cần thiết vừa giảm chi phí cho tổ chức công dân vừa giảm tải cho công chức tư pháp các cấp.

(còn nữa) 

Minh Hoà