Những vướng mắc khi thực hiện đăng ký hộ tịch theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ

27/08/2007
Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch được soạn thảo trên cơ sở từ những kinh nghiệm thực tiễn được đút rút qua quá trình thi hành Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ. Những vấn đề vướng mắc trong đăng ký hộ tịch theo Nghị định số 83 đã được cụ thể hoá trong Nghị định số 158. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đăng ký hộ tịch theo Nghị định số 158 đã nảy sinh một số vấn đề cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để quá trình thực hiện được chính xác, thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cụ thể là:

Tại khoản 6 - Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định “điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khi sinh và bản chính Giấy khai sinh”  như vậy theo quy định này thì các việc hộ tịch như: kết hôn, khai tử .... nếu có sai sót khi đăng ký thì sẽ được điều chỉnh lại cho đúng và việc điều chỉnh sẽ được thực hiện trong “sổ hộ tịch” hoặc trong “giấy”. Trong thực tế thực hiện công tác đăng ký hộ tịch ở địa phương có trường hợp khi đăng ký kết hôn có sự sai sót “chữ đệm” so với giấy khai sinh, khi công dân có yêu cầu điều chỉnh lại cho đúng thì việc điều chỉnh sẽ được thực hiện đồng thời trong “sổ hộ tịch” và trong “giấy chứng nhận kết hôn”. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trong sổ hộ tịch sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 39 Nghị định số 158 còn việc điều chỉnh trong giấy chứng nhận kết hôn thì hiện nay theo mẫu quy định của Bộ Tư pháp không thể điều chỉnh được vì giấy chứng nhận kết hôn hai mặt đều đã ghi kín, không có “mặt sau” để điều chỉnh. Do vậy các địa phương đã rất lúng túng khi thực hiện yêu cầu này. Để đáp ứng được yêu cầu chính đáng của công dân Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Trong thực tế thực hiện công tác đăng ký hộ tịch ở địa phương đã gặp trường hợp công dân khai sinh con ngoài giá thú, trong Giấy khai sinh và trong sổ đăng ký khai sinh đã ghi tên con, ngày tháng năm sinh, nơi sinh và dân tộc của con theo dân tộc mẹ, quê quán của con theo quê quán của người mẹ còn phần khai về người cha thì để trống. Sau đó người cha nhận con và được chính quyền địa phương công nhận việc nhận con, người cha đã làm thủ tục ghi tên cha vào trong sổ hộ tịch và bản chính Giấy khai sinh và đề nghị thay đổi “dân tộc” và “quê quán” của người con theo dân tộc và quê quán của người cha theo phong tục tập quán. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 36 Nghị định số 158 thì cá nhân có quyền thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật dân sự và cải chính những nội dung đã được đăng ký trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký. Đối chiếu với quy định này thì trường hợp trên không phải “thay đổi hộ tịch” cũng không phải “cải chính hộ tịch” nhưng đó lại là nguyện vọng chính đáng của công dân. Trường hợp này sẽ giải quyết thế nào? để đảm bảo quyền lợi cho công dân và thực hiện thống nhất trong cả nước đề nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

 

Lê Thị La