Trường Đại học Luật TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "10 năm áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản" thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và người hành nghề thực tiễn tham dự.
PGS. TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã đóng vai trò nền tảng trong việc điều chỉnh và định hướng cho các quan hệ về nhân thân và tài sản ở nước ta, đặc biệt là các quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc xác lập, thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, thị trường và sự đa dạng của các loại tài sản mới. Hội thảo lần này định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự nhằm góp phần vào sự phát triển của pháp luật Việt Nam.
TS Vũ Thị Diệu Thuý, Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, sau một thập kỷ áp dụng BLDS năm 2015, khái niệm “quyền tài sản” đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của công nghệ như số hóa, sở hữu trí tuệ và đầu tư. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, kiến nghị cần hoàn thiện quy định tại Điều 115 BLDS năm 2015, ghi nhận các đối tượng mới của quyền tài sản (bao gồm quyền đối với dữ liệu, quyền đối với tài khoản mạng xã hội, quyền phát thải…)
Bàn về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là bất động sản trong giao dịch dân sự, ThS Nguyễn Thị Thu Sương, Công ty Luật TNHH TAPHALAW đã chỉ ra những điểm chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và các quy định của pháp luật chuyên ngành khi quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là quyền sử dụng đất hay nhà ở trong giao dịch dân sự. Qua đó, cần thiết phải xây dựng một cơ chế pháp lý phù hợp để điều chỉnh thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản trong giao dịch dân sự, đặc biệt trong những trường hợp có sự giao thoa với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 không quy định. Luật Đất đai 2024 chỉ quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (theo khoản 21 Điều 3). Vì vậy, việc xác định thời điểm đối với quyền sở hữu quyền sử dụng đất được áp dụng theo Điều 161 BLDS 2015. Do đó, theo TS Quang, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất là thời điểm chuyển giao quyền chứ không phải thời điểm đăng ký và đề xuất một số nội dung để hoàn thiện quy định này.
.jpg)
Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo các quy định của quốc tế về nhận diện quyền bề mặt, ThS Vũ Anh Sao, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM cho rằng, quyền bề mặt là một chế định có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển bất động sản bền vững, sử dụng hiệu quả phân tầng bề mặt của đất theo không gian ba chiều, việc BLDS 2015 ghi nhận chế định này là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng cho thấy quyền bề mặt chưa phát huy triệt để vai trò do thiếu vắng cơ chế pháp lý cụ thể. Qua đó, đề xuất Việt Nam cần có quy định cụ thể về hợp đồng cấp quyền bề mặt, trình tự thủ tục đăng ký, biểu mẫu kỹ thuật và cơ sở dữ liệu thông tin đất đai có tích hợp yếu tố không gian. Đồng thời, việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, áp dụng mô hình bản đồ ba chiều, cũng như đẩy mạnh đào tạo chuyên môn cho các cơ quan đăng ký và quản lý là những điều kiện thiết yếu để quyền bề mặt có thể trở thành một công cụ pháp thực chất, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp giúp cung cấp cái nhìn đa chiều, sâu sắc về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong 10 năm áp dụng BLDS 2015 về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật dân sự ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.