Sáng 03/7/2025, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh vừa được Quốc hội, UBTVQH khóa XV thông qua, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam số 79/2025/QH15.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước; đại diện các Bộ, ngành đã thông tin về nội dung cơ bản của các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội, UBTVQH vừa thông qua. Có tổng số 16 Luật, Pháp lệnh được công bố tại buổi họp báo bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Cán bộ, công chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng; Luật Thanh tra; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6/2025 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển số quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới); tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, thống nhất đất nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam gồm 03 Điều, cụ thể: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi, bổ sung nội dung của 21/44 điều của Luật Quốc tịch Việt Nam); Điều 2. Điều khoản thi hành; Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa 02 chính sách lớn:
Chính sách 1: Nới lỏng điều kiện liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể:
(1) Người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không cần đáp ứng điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
(2) Người chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ hoặc người chưa thành niên có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam thì được miễn các điều kiện quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 19 . Các trường hợp này được nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nếu cư trú ở nước ngoài.
(3) Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại hoặc vợ hoặc chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam thì được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 02 điều kiện (Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó; Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và được Chủ tịch nước cho phép.
(4) Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì được miễn các điều kiện quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 19. Đồng thời, các trường hợp này được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 02 điều kiện tương tự trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại hoặc vợ hoặc chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam và được Chủ tịch nước cho phép.
Chính sách 2: Nới lỏng điều kiện liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam. Cụ thể:
(1) Bỏ quy định về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam tại khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì được xem xét giải quyết trở lại quốc tịch Việt Nam.
(2) Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 02 điều kiện tương tự trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và được Chủ tịch nước cho phép.
Bên cạnh việc nới lỏng điều kiện nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực hiện 02 chính sách này (như: quy định nhằm bảo đảm sự thống nhất về việc áp dụng pháp luật đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài (khoản 4 Điều 5); quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong một số trường hợp (khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 5); quy định bảo đảm quyền chủ quyền quốc gia tuyệt đối đối với vấn đề quốc tịch (khoản 8 Điều 5); thu hồi Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, trách nhiệm xác minh của Bộ Công an trong trình tự giải quyết hồ sơ quốc tịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin…).
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, thống nhất, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan thực hiện các các nhiệm vụ sau:
1. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam; ban hành Thông tư của Bộ Tư pháp ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch.
2. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến phổ biến rộng rãi các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành đến người dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.
Võ Thị Hạnh - Cục Hành chính tư pháp