Dự thảo mới Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập

22/02/2007
Điểm mới nhất của dự thảo là qui định bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) sẽ được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử.

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất và trình Chính phủ bản dự thảo mới nhất của Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập gồm 5 chương, 39 điều. Trong đó qui định rõ người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: đại biểu QH chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu hai cơ quan này; cán bộ, công chức từ phó phòng UBND cấp huyện trở lên và tương đương; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên.

Ngoài ra, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng và phó phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước, người được Nhà nước cử giữ các chức vụ trên trong DN có vốn đầu tư của Nhà nước; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản nhà nước hoặc trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước... cũng thuộc nhóm phải kê khai tài sản.

Điểm mới nhất của dự thảo là qui định bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) sẽ được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử.

Thời hạn công khai là năm ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền ra quyết định công khai bản kết luận về minh bạch tài sản, thu nhập của người ứng cử - khoản 4 điều 31 của dự thảo nghị định nêu rõ.

Người ứng cử phải minh bạch tài sản, thu nhập Tài sản mà người ứng cử phải kê khai gồm các loại nhà (nhà, công trình xây dựng của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, nhờ người khác đứng tên; nhà của Nhà nước đang thuê hoặc đang sử dụng); các loại quyền sử dụng đất (kể cả nhờ người khác đứng tên); bất động sản và tài khoản ở nước ngoài. Người ứng cử còn phải kê khai đầy đủ thu nhập từ mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân trở lên; các loại kim khí quí, đá quí, tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác; các tài sản môtô, ôtô, tàu thuyền và tài sản khác có giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.

Điều 16 của dự thảo qui định yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập được tiến hành khi có một trong các căn cứ. Thứ nhất là kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng.

Thứ hai là khi có tố cáo, phản ảnh về vấn đề tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, với điều kiện nội dung tố cáo, phản ảnh rõ ràng, có danh tính, địa chỉ người tố cáo, có bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh.

Riêng đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND, việc tố cáo, phản ảnh chỉ được xem là căn cứ để ra văn bản yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập nếu được gửi tới hội đồng bầu cử hoặc ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp có thẩm quyền chậm nhất 30 ngày trước ngày hiệp thương lần cuối để “chốt” danh sách người ứng cử.

Sau khi tiếp nhận tố cáo, phản ảnh có đủ điều kiện, hội đồng bầu cử hoặc ủy ban MTTQ sẽ ra văn bản yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người ứng cử ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người ứng cử.

Kê khai không trung thực: xóa tên khỏi danh sách ứng cử Điều 34 của dự thảo nghị định qui định, người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND, người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại QH, HĐND, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nếu bị kết luận kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xóa tên khỏi danh sách người ứng cử hoặc không được bầu, phê chuẩn.

Thời hạn áp dụng biện pháp “chế tài” này là một nhiệm kỳ, kể từ ngày người ứng cử bị kết luận không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.

Cũng theo đó, người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn nếu bị kết luận kê khai tài sản, thu nhập không trung thực sẽ không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến. Thời hạn áp dụng “chế tài” đối với trường hợp này là một năm, kể từ ngày bị kết luận kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Ngoài các qui định trên, người ứng cử nếu kê khai tài sản, thu nhập không trung thực có thể còn bị xem xét kỷ luật theo điều 33 của dự thảo nghị định. Cụ thể, người kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý ở các mức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương đến hạ ngạch.

Trong vòng năm ngày kể từ ngày có kết luận về việc kê khai không trung thực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét xử lý kỷ luật đối với người kê khai không trung thực. Quyết định kỷ luật phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc ít nhất ba tháng kể từ ngày ra quyết định.

Dự kiến Nghị định này có hiệu lực ngay từ kỳ bầu cử đại biểu QH khóa XII vào tháng năm năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp cùng Bộ Nội vụ xây dựng một thông tư liên tịch nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn việc kê khai, xác minh và công khai kết luận về minh bạch tài sản đối với những người ứng cử đại biểu QH.

(Theo TTXVN)

Dự thảo mới Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập