Xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi - Yêu cầu tất yếu và cấp thiết khi gia nhập WTO

20/02/2007
Theo TS Bùi Khắc Sơn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, quyền lợi của người gửi tiền chỉ được bảo vệ công khai, minh bạch và hợp pháp; hệ thống giám sát bảo đảm an toàn chỉ có hiệu quả khi Việt Nam có Luật Bảo hiểm tiền gửi.
* Sau bảy năm triển khai, chính sách bảo hiểm tiền gửi công khai ở Việt Nam đã đáp ứng mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền chưa, thưa ông?

- Thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh về lượng và về chất: môi trường kinh doanh được cải thiện, các tổ chức kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và sản xuất kinh doanh vì mục tiêu cạnh tranh và lợi nhuận đồng thời có trách nhiệm hơn trong phát triển cộng đồng, người dân được sử dụng nhiều hàng hóa dịch vụ với giá cả hợp lý hơn.

Xu hướng phát triển của thị trường có sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn trong nước (gọi chung là thị trường tài chính), những tác động xấu sẽ gây ảnh hưởng chung. Mặt khác, sự cạnh tranh của hệ thống cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam khi là thành viên của WTO sẽ gay gắt hơn, giao dịch liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế với đối tượng tham gia là các pháp nhân và thể nhân thuộc các quốc gia có văn hóa và luật pháp khác nhau cũng làm cho các loại hình rủi ro có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp khó lường.

Những rủi ro mang tính hệ thống, rủi ro liên quan đến các kỹ năng quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cũng như các rủi ro đạo đức khác của các cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp trong kinh tế thị trường sẽ gây ra những tổn thất cho xã hội và người dân.

Vì lẽ đó, người dân cần được bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng hệ thống luật pháp, bằng cấu trúc tổ chức bộ máy hoạt động giám sát, bằng các hoạt động mang tính chất quản lý và kỹ thuật nghiệp vụ, bằng hệ thống giáo dục tuyên truyền và bằng các chế tài xử lý thích đáng đối với các vi phạm.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) được thành lập năm 1999 và hoạt động theo nghị định của Chính phủ, là một trong những định chế tài chính mới chỉ có trong kinh tế thị trường ở các nước khác có hoạt động bảo hiểm tiền gửi, cơ sở pháp lý cho các tổ chức này bắt đầu hoạt động là Luật Bảo hiểm tiền gửi hay Luật Bảo vệ người gửi tiền.

Là tổ chức giảm thiểu rủi ro, DIV có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Quyền lợi của hàng chục triệu người gửi tiền chỉ được bảo vệ công khai minh bạch và hợp pháp; hệ thống giám sát bảo đảm an toàn hệ thống chỉ có hiệu quả khi Việt Nam có Luật Bảo hiểm tiền gửi hoặc Luật bảo vệ người gửi tiền

* Việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi có thực sự cần thiết không khi đã có Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Luật chứng khoán?

- Ngày 27-4-1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp lệnh ra đời đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thời gian qua. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển đã làm xuất hiện nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mới mà trước đây chưa có, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin.

Các loại hàng hóa đa dạng như tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, các loại dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng khác... đã trở thành hàng hóa được mua, bán giao dịch trên thị trường. Các sản phẩm dịch vụ này cần phải được thiết kế, sản xuất, phân phối theo các yêu cầu về quy trình và tiêu chuẩn thích hợp được kiểm soát, giám sát về chất lựợng và sự an toàn.

Tuy nhiên, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu đùng ra đời trong bối cảnh đất nước mới chuyển qua kinh tế thị trường nên nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chưa xuất hiện hoặc chưa được dự liệu tới nên chưa được quy định.

Luật Chứng khoán ban hành ngày 29-6-2006, quy định về hoạt động niêm yết giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong Luật này, chủ yếu quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán, trong đó có đề cập đến bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân của tổ chức kinh doanh hoạt động chứng khoán mà không đề cập bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng với tư cách là người đầu tư nhỏ khi gặp sự cố rủi ro chưa được pháp luật bảo vệ bằng những quy định cụ thể.

Luật Chứng khoán của một số nước có quy định bảo hiểm rủi ro cho các nhà đầu tư chứng khoán nhằm tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định mà quyền lợi của người đầu tư chứng khoán cũng được pháp luật bảo vệ. Đa số các nước phát triển kinh tế thị trường đều xây dựng Luật riêng về Bảo hiểm tiền gửi và có mối liên hệ chặt chẽ với các luật liên quan tới quản lý và kinh doanh dịch vụ tài chính và Luật bảo vệ người tiêu dùng...

* Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của DIV trong bối cảnh Việt Nam vừa ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)?

- Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì vai trò, trách nhiệm của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh; nắm bắt những cơ hội kinh doanh và phòng ngừa rủi ro; tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Điều đặc biệt nữa mà Chính phủ Việt Nam cần phấn đấu thực hiện tốt là giảm thiểu rủi ro quốc gia, rủi ro cho các tổ chức kinh tế và rủi ro đối với quyền lợi của người dân (cụ thể là: bảo vệ người tiêu dùng, người gửi tiền, người đầu tư) nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động giám sát các tổ chức kinh doanh cũng cần được quy định rõ ràng cụ thể, có hệ thống chuẩn mực thống nhất, trong đó cần phải có sự chia sẻ thông tin và phối hợp hành động với chi phí thấp hiệu quả cao và thuận lợi cho tổ chức kinh tế. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi đồng bộ với hệ thống pháp luật khác và hoàn chỉnh theo kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của các nước để tổ chức quản lý và điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là yêu cầu tất yếu khách quan, cấp thiết bơn bao giờ hết để tạo đà cho nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)