Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030

20/12/2024
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1577/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai thực hiện Quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và sử dụng tối ưu, hiệu quả nguồn lực.
Ưu tiên tập trung xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án cơ sở xã hội nuôi dưỡng người có công
Về dự án đầu tư công: Theo Kế hoạch, ưu tiên tập trung để thực hiện các dự án xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản, trang thiết bị đồng bộ cho các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Theo Kế hoạch, ưu tiên đầu tư phát triển mới các Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh An Giang, tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ; tỉnh Bạc Liêu; tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở hiện có gồm: Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng; các Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Cơ sở 2); Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An.
Về dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Kế hoạch đề ra các chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và liên kết, hợp tác phát triển; bảo vệ môi trường; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; đảm bảo nguồn lực tài chính...
09 Chính sách, giải pháp
Thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch
a) Tổ chức công bố, tuyên truyền phổ biến nội dung và cung cấp thông tin về Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng để các tổ chức, Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện; tham gia phát triển hạ tầng hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
b) Lưu trữ hồ sơ Quy hoạch theo quy định; cung cấp dữ liệu phục vụ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về Quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
c) Báo cáo, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo quy định pháp luật về quy hoạch hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Hoàn thiện pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách
a) Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; chế độ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
b) Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công như tiêu chuẩn về y tế và phục hồi chức năng, vệ sinh, dinh dưỡng, văn hóa, thể thao, giải trí, môi trường, khuôn viên, nhà ở và quản lý hành chính tại các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
c) Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi linh hoạt mô hình hoạt động của các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, tăng liên kết giữa các địa phương, các cơ sở điều dưỡng trong thực hiện chế độ điều dưỡng người có công với cách mạng; trong đó thực hiện tiếp nhận Trung tâm điều dưỡng người có công Lâm Đồng về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý và sáp nhập 02 Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An và Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần tỉnh Nghệ An.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
a) Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, vận hành các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
b) Phát triển đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
c) Hoàn thiện chính sách thu hút người lao động có chuyên môn, năng lực vào làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Phát triển khoa học, công nghệ và liên kết, hợp tác phát triển
a) Ứng dụng tăng cường thực hiện chuyển đổi số, công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ đối tượng.
b) Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công nhằm chia sẻ kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
c) Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các cơ sở điều dưỡng trong vùng và trong phạm vi cả nước nhằm đa dạng các địa điểm tổ chức hoạt động điều dưỡng cho người có công.
Bảo vệ môi trường
a) Phát triển hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thân thiện với môi trường; đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
b) Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, vật liệu mới, hiện đại trong quản lý đầu tư xây dựng, bảo trì cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu theo đặc thù từng vùng, miền trong cả nước.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị
a) Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư, xây dựng, mở rộng các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo Quy hoạch đã được duyệt và các quy định pháp luật khác có liên quan.
b) Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn về tài sản, trang thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
c) Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị đối với cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng cơ sở, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người, có công với cách mạng.
Đảm bảo nguồn lực tài chính
a) Cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về lĩnh vực các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
b) Ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản, trang thiết bị đồng bộ cho các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
c) Khuyến khích, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu thực hiện Quy hoạch.
Mô hình quản lý, phương thức hoạt động
a) Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, điều chỉnh linh hoạt mô hình hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế.
b) Xây dựng hệ thống dữ liệu và mạng lưới thông tin kết nối các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng để phục vụ công tác quản lý, liên kết giữa các cơ sở.
Giáo dục, tuyên truyền
Tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng trong việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công.