Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL

09/07/2024
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL
Sáng ngày 08/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thông văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo), tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, một số đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Phó Trưởng ban, cùng một số Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Lãnh đạo các Ủy ban có liên quan của Quốc hội và Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là thành viên để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024. Bộ Tư pháp được phân công là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo triển khai các công việc, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện. 


 
Thay mặt Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo), Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo một số công việc được Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm việc xây dựng, trình hồ sơ đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát theo thẩm quyền để tiếp tục phát hiện vướng mắc trong hệ thống pháp luật; cập nhật tình hình xử lý kết quả rà soát đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV và bước đầu tổng hợp, đề xuất Ban Chỉ đạo các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ở tầm luật… 
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp, đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Cơ quan thường trực trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian ngắn đã triển khai được nhiều công việc và có kết quả bước đầu. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu những khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, qua đó, thống nhất cần có phương án xem xét, sửa đổi khẩn trương, phù hợp. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhất trí với việc nghiên cứu, xây dựng một luật sửa một số luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” hiện nay. 


 
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo hoan nghênh các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát tình hình của các đại biểu và công tác chuẩn bị chủ động, tích cực của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan; phiên họp đã cơ bản xác định yêu cầu, mục tiêu, thống nhất các quan điểm, nguyên tắc và phạm vi, nội dung rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở bám sát yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ. Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo cần phải sớm thành lập Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo gồm các thành viên đủ năng lực, trình độ, tâm huyết là cán bộ cấp vụ, chuyên gia, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng Nhóm để tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thủ tướng cũng đồng ý phạm vi rà soát hướng đến một số luật cần sửa đổi mang tính chất cấp bách nhất để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; sau khi có kết quả rà soát, các Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động đề xuất xây dựng một luật sửa đổi một số luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để Ban Chỉ đạo cho ý kiến, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương quan tâm, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý; bố trí cán bộ pháp chế đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác này trong giai đoạn hiện nay./.
Lưu Vân Hương