Tăng cường bảo đảm quyền đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho trẻ em

21/05/2023
Tăng cường bảo đảm quyền đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho trẻ em
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em sớm nhất. Từ sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã không ngừng nội luật hoá, hoàn thiện thể chế, nhất là trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch để tăng cường bảo đảm việc đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho trẻ em.
Từng bước hoàn thiện về thể chế
Việt Nam đã nội luật hóa quyền đăng ký khai sinh (ĐKKS) của trẻ em trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng, đặc biệt là Luật Hộ tịch năm 2014. Theo quy định của Luật Hộ tịch, quyền được khai sinh của mỗi cá nhân được thực hiện thông qua thủ tục ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền.
ĐKKS là sự ghi nhận về mặt pháp lý sự ra đời, tồn tại của một cá nhân, phát sinh các quyền nhân thân của cá nhân, đồng thời là cơ sở để Nhà nước quản lý thông tin, dữ liệu cá nhân. Giấy khai sinh là cơ sở pháp lý xác định các mối quan hệ của người được ĐKKS (xác định quyền, nghĩa vụ giữa công dân với Nhà nước, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con…). 
Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành là bước hoàn thiện quan trọng về thể chế trong việc tăng cường các giải pháp bảo đảm quyền ĐKKS, trong đó có nội dung xác định quốc tịch của trẻ em, cụ thể: quy định thẩm quyền ĐKKS theo hướng mở rộng; quy định chi tiết, cụ thể hơn về việc xác định các nội dung ĐKKS - là cơ sở để các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định yêu cầu ĐKKS của công dân, hạn chế sai sót, nhầm lẫn hoặc ghi thiếu thông tin khi thực hiện ĐKKS; quy định đầy đủ, rõ ràng về cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ĐKKS; đơn giản hóa, cải cách thêm một bước về thủ tục ĐKKS; miễn lệ phí cho phần lớn các trường hợp ĐKKS; quy định kết nối, liên thông giữa thủ tục ĐKKS với đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Triển khai các dịch vụ công liên thông phục vụ ĐKKS
Hiện nay, theo yêu cầu của quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), từ ngày 21/11/2022, việc liên thông trực tuyến 03 nhóm thủ tục đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam, dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc từ tháng 6/2023. Đồng thời, Bộ Tư pháp đang xây dựng và triển khai Đề án liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh để thực hiện việc ĐKKS trên môi trường điện tử. Việc triển khai các dịch vụ công liên thông này, không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, bảo đảm dữ liệu được sử dụng hiệu quả, tăng cường tỷ lệ ĐKKS, tiến tới bảo đảm 100% trẻ em được ĐKKS đồng thời giảm mạnh tỷ lệ trẻ em ĐKKS quá hạn.

Giải pháp tăng cường việc ĐKKS, xác định quốc tịch cho trẻ em
Trên thực tế, việc ĐKKS cho trẻ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: nhận thức của người dân về quyền ĐKKS của trẻ còn hạn chế; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chưa ổn định, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau; công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.
Tại đoạn số 21 Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em về Báo cáo định kỳ kết hợp lần thứ 5 và thứ 6 đã khuyến nghị Việt Nam: "(a) Tăng cường nỗ lực đạt được mục tiêu đăng ký khai sinh toàn dân, thông qua nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của ĐKKS và đảm bảo tất cả trẻ em thuộc các dân tộc, tôn giáo thiểu số hoặc bản địa, được tiếp cận với các giấy tờ ĐKKS và nhận dạng, bất kể thuộc dân tộc hay tôn giáo nào; (b) Xây dựng quy trình xác định tình trạng không quốc tịch của trẻ em nhằm xác định và bảo vệ đúng đắn trẻ em không quốc tịch, đồng thời xem xét việc phê chuẩn Công ước liên quan đến vị thế của người không quốc tịch và công ước về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch."
Qua đó, nhằm tăng cường việc đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương, cần tăng cường hoàn thiện khung pháp luật, chính sách; tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện như: tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch ở cơ sở, kiểm tra, thanh tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những trường hợp phát sinh trên thực tế,...; áp dụng đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền, vận động nhân dân, đăng ký hộ tịch lưu động...) để nâng cao nhận thức hơn nữa về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, nâng cao tỉ lệ đăng ký hộ tịch trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm giải quyết tốt các vẫn đề về quốc tịch, hộ tịch cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực, chủ động hơn trong hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch cấp xã./.
 
Thu Nga