Đến nay, Bộ Tư pháp đã triển khai việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử của ngành Tư pháp, tạo điều kiện khi có các yêu cầu thuộc phạm vi quản lý của ngành.
63/63 địa phương cung cấp dịch vụ công đăng ký hộ tịch
Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công: Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; 63/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, trong đó có 30 địa phương đã khai thác sử dụng hiệu quả. Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn địa phương tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến; hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tái cấu trúc quy trình thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử và tiến hành chạy thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam, theo đó Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả.
Bộ Tư pháp cũng đang bổ sung các chức năng trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ nhằm tích hợp với Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về tiến độ đưa các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Bộ: Trong năm 2022, Bộ Tư pháp kết nối thêm 37 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 57/70 dịch vụ công. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang thực hiện quy trình kiểm thử đối với 02 dịch vụ công thuộc lĩnh vực Hộ tịch.
Từ ngày 22/9/2022, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mục tiêu: 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao triển khai thí điểm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại 5 Quận của Thành phố Hà Nội gồm: Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Đối với TTHC “Liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn” theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 Bộ Tư pháp (Cục HTQTCT) đã xây dựng dự thảo Quy trình liên thông cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân - đăng ký kết hôn trực tuyến.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, việc xây dựng, vận hành một số CSDL quốc gia, chuyên ngành tạo nền tảng dữ liệu số còn chậm do còn thiếu quy định pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật; trình tự, thủ tục và kinh phí đầu tư bố trí còn chậm so với yêu cầu, tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ liên quan.
Bộ Tư pháp cho biết, mục tiêu trong năm 2023 là triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình trong phạm vi quản lý quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…
Năm 2023, Bộ Tư pháp sẽ triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu tư pháp khác tạo nền tảng, kết nối, chia sẻ dữ liệu số Ngành Tư pháp phục vụ chuyển đổi số Ngành Tư pháp.
Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch, kết nối, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo về trợ giúp pháp lý; Xây dựng Hệ thống thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật….