Thi hành án dân sự: Kết quả bán đấu giá thành tăng dần theo các năm

04/10/2022
Thi hành án dân sự: Kết quả bán đấu giá thành tăng dần theo các năm
Đây là một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự được công bố tại Hội nghị Tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản sáng ngày 3-10.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật đấu giá tài sản, tổng số việc bán đấu giá thành là 14.067 việc, tương ứng với 39.592.482.573.000 đồng. Cụ thể, năm 2018, tổng số việc bán đấu giá thành là 2.512 việc, tương ứng với 4.624.153.919 đồng; năm 2019, tổng số việc bán đấu giá thành là 2.508 việc, tương ứng với 9.154.283.991 đồng; năm 2020, tổng số việc bán đấu giá thành là 3.061 việc, tương ứng với 8.283.584.966.000 đồng; năm 2021, tổng số việc bán đấu giá thành là 3.225 việc, tương ứng với 8.520.143.159.000 đồng; năm 2022 (tính đến thời điểm hiện tại), tổng số việc bán đấu giá thành là 2.761 việc, tương ứng với 9.010.316.538.000 đồng. Nhìn chung, công tác bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự đã chặt chẽ hơn; kết quả bán đấu giá thành tài sản thi hành án tăng dần qua các năm cả về số việc và số tiền, góp phần giúp các cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Để đạt được kết quả trên, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản thi hành án đã đóng vai trò rất lớn. Trong quá trình thi hành Luật Đấu giá tài sản, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham gia góp ý các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, đồng thời ban hành nhiều công văn hướng dẫn, triển khai nội dung liên quan đến quá trình áp dụng Luật đến các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, đặc biệt là Công văn số 2126/TCTHADS-NV1 hướng dẫn việc ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa chuyển đổi thành “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, hoạt động đấu giá tài sản đang chịu sự điều chỉnh của hai bộ luật: Luật Đấu giá tài sản và Luật Thi hành án dân sự. Trong khí Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định chung về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thì các yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá,... lại được quy định tại Luật Thi hành án dân sự. Vì vậy, thời gian để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá kéo dài, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài gần 3 năm vẫn chưa có người mua. Việc này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người phải thi hành án, người được thi hành án, người trúng đấu giá; cơ quan Thi hành án dân sự đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước.
Để hoàn thiện công tác bán đấu giá tài sản thi hành án, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương phải nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, công tác kiểm tra đấu giá tài sản và xử lý vi phạm đối với việc thi hành án liên quan đến bán đấu giá tài sản, đảm bảo lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội, người dân và doanh nghiệp. Về mặt lâu dài, cần nhanh chóng xây dựng những quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong Luật Đấu giá tài sản, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng tài sản đưa ra bán đấu giá là tài sản “sạch”, rút ngắn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án. Bên cạnh đó, các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp cần nâng cao chất lượng đào tạo đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá chuyên nghiệp.
 
Anh Thư - Trung tâm Thông tin