Nâng cao chất lượng đấu giá viên và phát triển tổ chức đấu giá – mối quan tâm chung của nhiều địa phương

04/10/2022
Nâng cao chất lượng đấu giá viên và phát triển tổ chức đấu giá – mối quan tâm chung của nhiều địa phương
Tại Hội nghị Tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản được tổ chức ngày 03/10, đại diện Sở Tư pháp của nhiều địa phương đã báo cáo kết quả đạt được, kinh nghiệm sau 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, đồng thời có ý kiến đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật. Đặc biệt, nhiều địa phương bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề nâng cao chất lượng đấu giá viên và phát triển tổ chức đấu giá.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản: Tính đến tháng 08/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên thuộc gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, phần lớn tập trung tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hoá , Đà Nẵng...
So với con số 100 doanh nghiệp đấu giá giai đoạn trước khi thực hiện Luật Đấu giá tài sản, các tổ chức đấu giá đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng, chất lượng, quy mô, tính chuyên nghiệp, đồng thời số lượng đấu giá viên cũng gia tăng mạnh sau 5 năm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đấu giá tài sản của các địa phương.
Đứng trước sự phát triển liên tục về số lượng tổ chức đấu giá tài sản và lượng đấu giá viên đông đảo, nhiều địa phương đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới hoạt động nâng cao chất lượng đấu giá viên, tăng cường quản lý và phát triển tổ chức đấu giá.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã đề xuất các giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để tiếp tục phát huy những kết quả đã có trong công tác quản lý nhà nước, cũng như khắc phục những thiếu sót trong hoạt động quản lý đấu giá tài sản tại địa phương. Đáng chú ý, cả giải pháp trước mắt lẫn lâu dài do Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đề xuất đều đặt vấn đề về nâng cao chất lượng đấu giá viên, tăng cường quản lý và phát triển tổ chức đấu giá.
Cụ thể, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cho ý kiến đề xuất tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đấu giá viên, tập trung đào tạo theo chiều sâu nhằm tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề.
Bên cạnh đó, Sở này còn đề xuất tiếp tục duy trì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản của Nhà nước, xây dựng lộ trình để tự chủ đối với khoản chi thường xuyên phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn pháp lý, phòng ngừa rủi ro cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch dân sự, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời góp phần phát triển hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn một cách bền vững, phù hợp với nhu cầu địa phương và định hướng xây dựng các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Bày tỏ cùng một mối quan tâm, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã đưa ra kiến nghị và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đấu giá như: có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mua bảo hiểm nghề nghiệp cho đấu giá viên làm việc tại Trung tâm đấu giá tài sản; tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến; đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu giá tài sản; đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và tổ chức các Hội thảo trao đổi nghiệp vụ giữa những người hoạt động trong công tác đấu giá tài sản; xây dựng chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ đấu giá viên và các tổ chức đấu giá tài sản mang tính chuyên nghiệp.
Các đề xuất trên của Sở Tư pháp các địa phương được đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị ủng hộ, bởi vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên cũng như tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển tổ chức đấu giá là những mối quan tâm chung của các địa phương và cả các tổ chức đấu giá tài sản trong bối cảnh hoạt động đấu giá phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Lê Huy – Trung tâm Thông tin