Ngày 31/8/2022, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Báo cáo số 218/BC-HĐPH trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (Hội đồng) các cấp 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Theo Báo cáo, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng trung ương, có 23 bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương đã ban hành Kế hoạch riêng về PBGDPL, còn lại là lồng ghép hướng dẫn công tác PBGDPL trong Kế hoạch công tác pháp chế, Kế hoạch truyền thông năm 2022; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL của Ủy ban nhân dân và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng cấp tỉnh năm 2022. Nhiều địa phương chủ động ban hành văn bản riêng hướng dẫn phổ biến vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn, lựa chọn nội dung PBGDPL theo từng quý. 100% Hội đồng cấp tỉnh đã hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng theo đúng thành phần quy định tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định, trong đó, Hội đồng cấp tỉnh của 07 địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.
Nội dung PBGDPL trọng tâm năm 2022 được xác định để đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, trong đó tập trung các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội; chính sách, pháp luật hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, ổn định đời sống và phục hồi phát triển kinh tế; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2021 và năm 2022; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống tội phạm; dịch bệnh, thiên tai; hội nhập quốc tế; các điều ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Các hình thức PBGDPL được Hội đồng các cấp hướng dẫn áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào thực tiễn từng thời kỳ. Trong những tháng đầu năm, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phần lớn các cơ quan, đơn vị vẫn tiếp tục duy trì các hình thức PBGDPL trực tuyến. Khi cả nước bước vào trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19, Hội đồng các cấp đã chỉ đạo tăng cường PBGDPL với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng đặc thù. Công tác giáo dục pháp luật được Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng kết hợp giữa giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa thông qua sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trung ương theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Thông báo kết luận số 45/TB-VPCP của Chủ tịch Hội đồng trung ương đã được các thành viên chủ động tổ chức thực hiện. Hoạt động của Cơ quan Thường trực Hội đồng trung ương đã có đổi mới theo hướng tăng cường tính chủ động, trao đổi thông tin với thành viên Hội đồng trung ương nhằm nắm bắt thực trạng và giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai hoạt động PBGDPL. Thường trực Hội đồng trung ương đã tổ chức làm việc chuyên đề với một số thành viên Hội đồng trung ương là lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cơ quan Thường trực Hội đồng trung ương (Bộ Tư pháp) đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Trên cơ sở kết quả rà soát, thành viên Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tài chính đang chủ trì chỉ đạo, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung/thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Điểm đổi mới trong thực hiện giải pháp kinh phí cho công tác PBGDPL là một số địa phương đã chủ động xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn (Quảng Ninh, Tiền Giang…), trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL.
Một số bộ, ngành đã triển khai hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, một số bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông riêng cho từng dự án luật như: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã được áp dụng với nhiều mô hình, hình thức đa dạng, tiêu biểu như: thành lập các fanpage để cung cấp thông tin pháp luật; sử dụng các tin nhắn SMS qua các mạng di động để cung cấp thông tin pháp luật; hệ thống truyền thanh cơ sở; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tập huấn trực tuyến kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL...
Các hoạt động kiểm tra của Hội đồng trung ương được chủ động thực hiện từ sớm, có sự tham gia của nhiều đồng chí thành viên Hội đồng trung ương tại các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Cơ quan Thường trực Hội đồng trung ương đã tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng các cấp (trực tiếp làm việc với Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện của một số địa phương: Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu). Một số thành viên Hội đồng trung ương cũng đã chủ động kiểm tra, đánh giá, khảo sát hoạt động PBGDPL trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngay từ đầu năm để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Hội đồng một số địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại cơ quan, địa phương, cơ sở.
Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Thông qua hoạt động kiểm tra của Hội đồng trung ương, một số địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đến công tác PBGDPL như Tây Ninh, Tiền Giang…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo đã xác định các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong 6 tháng đầu năm 2022 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, theo đó, Hội đồng trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
(i) Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, qua đó xác định những tồn tại, hạn chế, bất cập (nếu có) để đề xuất tổng thể việc hoàn thiện thể chế, chính sách.
(ii) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
(iii) Chỉ đạo thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao năm 2022 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là các dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Đấu thầu (sửa đổi).
(iv) Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, điểm nhấn là tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nội dung: Tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL, 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và 10 năm thực hiện Luật.
(v) Tập trung cập nhật thông tin, dữ liệu và vận hành có hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia trên cơ sở bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin giữa Cổng với các Cổng/Trang Thông tin PBGDPL thành phần do các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đang vận hành.
(vi) Tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn theo Kế hoạch số 1414/KH-HĐPH ngày 05/5/2022 về kiểm tra của Hội đồng trung ương năm 2022./.
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật